Có 2 cách phổ biến để trả nợ: Giảm chi và tăng thu nhập. Một trong những lời khuyên cơ bản nhất là làm thêm việc nữa để có thêm tiền, như kinh doanh riêng hay lái xe cho các hãng đi chung xe. Vì càng cầm về thêm nhiều tiền, bạn càng có khả năng thanh toán nợ mỗi tháng
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính cá nhân cho biết cách này không phải luôn có tác dụng. Để biết liệu nó có hợp với bạn không, hãy tìm hiểu lý do bạn mắc nợ.
Đó là vì bạn vay tiền thanh toán học phí, hay lạm dụng thẻ tín dụng. Hoặc bạn mắc bệnh đột ngột, phải trả một đống tiền thuốc hay cố kiếm tiền mua xe mới.
Nếu thói quen chi tiêu quá đà khiến bạn mắc nợ, kiếm nhiều hơn cũng chẳng giải quyết được tận gốc vấn đề. Vì nó chỉ khiến bạn càng có nhiều tiền hơn để tiêu mà thôi.
Holly Porter Johnson – đồng sáng lập blog tài chính cá nhân "Club Thrifty", kiêm đồng tác giả cuốn "Trả nợ: Lấy lại thu nhập và Gây dựng cuộc sống bạn mong ước" có rất nhiều kinh nghiệm về vấn đề này. Cô có một người bạn mắc nợ và muốn thoát khỏi tình cảnh này bằng cách làm thêm một công việc khác.
Johnson đã nói với cô rằng: "Cậu đang kiếm được nhiều tiền lắm rồi. Vấn đề của cậu là chi tiêu thôi. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là ngừng chi tiêu phóng tay. Kiếm nhiều hơn không phải là cách vì nó chỉ khiến cậu có thêm tiền để tiêu mà thôi".
Johnson đã gợi ý cô theo dõi chi tiêu của mình, lập ngân sách và tìm hiểu nợ đến từ đâu. Một khi đã nhìn ra chính xác vì sao tiền lương cứ bốc hơi mỗi tháng, cô có thể quyết định khoản chi nào nên bỏ và khoản nào nên chuyển sang để trả nợ.
"Bằng cách này, cô ấy sẽ tiết kiệm được thời gian và cả thu nhập nữa, còn hơn là dành thời gian rảnh rỗi đi làm thêm. Tiết kiệm được một đồng cũng như kiếm thêm một đồng thôi", Johnson cho biết.
Tăng thu nhập, dù bằng cách tăng lương, làm thêm hay chuyển việc, đều là cách thông minh để cải thiện tình hình tài chính. Nhưng nếu không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ, nó cũng là vô ích mà thôi. Nhiều triệu phú cũng từng phá sản vì thói ăn chơi xa xỉ.
Nếu bạn muốn thoát nợ, hãy bắt đầu kiểm tra lại chi tiêu của mình. Bạn có thực sự không kiếm đủ tiền? Hay vì lý do khác? "Nếu bạn giống người bạn của tôi và nghĩ rằng mình cần làm thêm việc khác, cái bạn cần chỉ là bài kiểm tra theo cách cổ điển ở trên", Johnson khuyên.
Hãy nhớ, không lời khuyên tài chính nào là phù hợp với tất cả mọi người. Trước khi chạy theo cách nào đó có tác dụng với người khác, bạn nên tự đánh giá tình hình của mình.
Vì tóm lại, nếu cứ kiếm tiền rồi lại lãng phí hết, nhiều tiền hơn nữa cũng chẳng cứu được bạn đâu.