Cụ thể, trong tháng 8/2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường đạt 40.399 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước; trong đó, 38.399 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và 2.000 tỷ đồng phát hành ra công chúng. Toàn bộ giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng là từ CTCP Vincom Retail.
Giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đăng ký phát hành trong tháng 8 tăng 68,1% so với tháng 7 lên mức 127.092 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công đạt mức 30,2%.
Những doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất trong tháng 8 là: Công ty THHH Saigon Glory (5.000 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Sovico (5.000 tỷ đồng) và CTCP Tập đoàn Masan (4.085 tỷ đồng).
Lũy kế 8 tháng, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công đạt 250.129 tỷ đồng, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 237.729 tỷ đồng, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước.
VNDIRECT cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đối sôi động trong tháng 8 là do nhu cầu nắm giữ tiền mặt để phòng ngừa rủi ro giảm xuống, nhu cầu đầu tư tăng lên trong bối cảnh Việt Nam cơ bản đã đẩy lùi được làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 2.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tích cực phát hành trái phiếu trước thời điểm Nghị định số 81/2020/NĐ-CP về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp” chính thức cố hiệu lực từ ngày 01/09/2020.
Theo đó, Nghị định mới này sẽ siết chặt hơn điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới, do đó các doanh nghiệp đã tranh thủ trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực để đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Điểm đáng chú ý, trong tháng 8, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ của nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng giảm 35,3% so với tháng trước, đạt 11.438 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,8% tổng giá trị phát hành riêng lẻ. Trong đó, đóng góp nhiều nhất là các ngân hàng với tổng giá trị phát hành thành công đạt 8.138 tỷ đồng, còn lại 3.300 tỷ đồng từ các công ty dịch vụ tài chính khác như Công ty Tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (1.900 tỷ đồng) và CTCP Chứng khoán Tiên Phong (750 tỷ đồng).
Đối với ngành bất động sản ghi nhận giá trị phát hành thành công đạt 11.430 tỷ đồng, giảm 6,8% so với tháng trước, chiếm 29,8% tổng giá trị phát hành riêng lẻ. Trong đó, đáng chú ý là các đợt phát hành với khối lượng lớn như Công ty TNHH Saigon Glory (5.000 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (2.220 tỷ đồng), CTCP Địa ốc Phú Long (1.800 tỷ đồng).
Nhóm tập đoàn đa ngành ghi nhận hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh khi tổng giá trị phát hành thành công cao gấp 2,2 lần so với tháng trước, đạt 9.095 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Phần lớn các đợt phát hành thuộc về CTCP Tập đoàn Sovico (5.000 tỷ đồng) và CTCP Tập đoàn Masan (4.085 tỷ đồng). Masan cho biết, sẽ sử dụng số tiền này nhằm thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty con Vincommerce và góp thêm vốn vào Công ty TNHH Sherpa. Công ty này mới đi vào hoạt động từ ngày 12/06 vừa qua, với ngành nghề kinh doanh là hoạt động tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường.
Trong tháng 8, theo Báo cáo, các doanh nghiệp có xu hướng phát hành tập trung ở các kỳ hạn ngắn, bao gồm 23 đợt phát hành kỳ hạn 2 năm (tổng giá trị phát hành đạt 3.220 tỷ đồng) và 116 đợt phát hành kỳ hạn 3 năm (tổng giá trị phát hành đạt 22.590 tỷ đồng).
Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân của các đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 8 năm 2020 đang ở mức 9,5%/năm; cao hơn 144 điểm cơ bản so với tháng 7.
Liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tính tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng này, như vậy cũng là một biện pháp kiểm soát.
“Các đơn vị chức năng, đặc biệt là cơ quan thanh tra giám sát, phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thường xuyên theo dõi, báo cáo về các tổ chức tín dụng. Nếu các tổ chức tín dụng có tỉ lệ tín dụng tập trung cao vào các lĩnh vực có rủi ro (trong đó có bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp), cơ quan thanh tra giám sát sẽ có văn bản cảnh báo để các tổ chức tín dụng này kiểm soát, không được chủ quan khi cấp tín dụng đối với các lĩnh vực này”, bà Hồng nhấn mạnh.