Luskin: Lạm phát đã đạt đỉnh nhưng kinh tế toàn cầu có thể sẽ phải đối mặt với điều đáng báo động hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Luskin, giám đốc điều hành TrendMacro chia sẻ rằng: "Tôi đã giải thích điều này từ 10 tháng trước rằng tại sao lạm phát đang trên đà hạ nhiệt".
Luskin: Lạm phát đã đạt đỉnh nhưng kinh tế toàn cầu có thể sẽ phải đối mặt với điều đáng báo động hơn

Lạm phát đã ở mức cao nhất khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 9,1% tại thời điểm tháng 6/2022 so với cùng kỳ năm trước đó và hiện nay con số đó đang ở mức 4,9%.

"Chắc chắn, dự đoán của tôi không đúng hoàn toàn. Tuy nhiên chỉ chưa đầy 1 năm, CPI đã giảm và có vẻ đã đi được một nửa trong hành trình trở về mức lạm phát mục tiêu của Fed", ông Luskin nói.

Vì vậy, "lạm phát vẫn còn quá cao" không còn là vấn đề mà Luskin lo lắng. Điều ông quan tâm lúc này có thể lạm phát sẽ giảm xuống dưới mức mục tiêu của Fed, và có thể trong 1 năm nữa, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm phát.

Vị giám đốc nói rằng, Fed không gây ra tình trạng lạm phát hiện tại. Trước đây, từng có lúc lãi suất của Fed về gần 0% và không hề đẩy lạm phát lên cao trong năm 2008 và năm 2015. Ngoài ra, họ cũng đã từng nới lỏng các chính sách tiền tệ và cũng không khiến thị trường biến động như hiện tại là năm 2009 và năm 2017.

Theo Luskin, gói cứu trợ 6 nghìn tỷ USD là mức cao kỷ lục dùng để hỗ trợ trong thời kỳ đại dịch năm 2020-2021 đã gây ra tình trạng lạm phát trong thời gian này.

Và chính sách thắt chặt tiền tệ mà Fed đã thực hiện, gồm 4 lần tăng lãi suất liên tiếp thêm 0,75%, thực tế đã đóng góp một phần giúp hạ nhiệt lạm phát.

Tuy nhiên, Luskin cũng cho rằng nhờ các khoản trợ cấp nhằm kích cầu trong đại dịch Covid, tăng trưởng cung tiền của Mỹ đã đạt đỉnh 27% vào tháng 2/2021 so với cùng kỳ năm 2020 - mức cao nhất kể từ năm 1959.

Như vậy, độ trễ giữa thời điểm cung tiền đạt đỉnh với lạm phát đạt đỉnh vào tháng 6/2022 là 1,5 năm - tương đương với thời gian trong quá khứ.

Còn Fed đã không tăng lãi suất sau 2 năm duy trì ở mức gần 0 và chỉ tăng 0,25% vào tháng 3/2022.

Và đến tháng 6/2022, Fed mới thật sự bắt đầu công cuộc chống lạm phát với lần tăng lãi suất thêm 0,75% đầu tiên.

Vì vậy, nếu độ trễ 1,5 năm giữa chính sách và kết quả là đúng, các lần tăng lãi suất của Fed thực chất chưa tạo ra tác động gì đối với tiến độ lạm phát.

Việc ngừng các khoản trợ cấp cho thời kỳ dịch bệnh đã khiến tăng trưởng cung tiền giảm xuống mức bình thường sau đó đã thu hẹp lại. Một phần nguyên do nữa là bởi việc tăng lãi suất của Fed là điều mà những người gửi tiền trẻ tuổi chưa từng thấy trước đây.

Lãi suất cao hơn đã khiến những người gửi tiết kiệm khoản lớn chuyển từ tiền gửi không kỳ hạn vốn đang trả lãi suất gần bằng 0 tại các ngân hàng lớn sang tiền gửi có kỳ hạn, ví dụ chứng chỉ tiền gửi có lãi suất gần với thị trường.

Người gửi tiết kiệm trong 1 năm là điều bình thường. Nhưng nếu đó là các khách hàng lớn gửi những khoản tiền khổng lồ thì có thể khiến hoạt động chi tiêu chậm lại, giúp lạm phát hạ nhiệt nhưng lại có thể gây ra giảm phát.

Lãi suất tăng, cung tiền giảm đã khiến cung tiền M2 bị thu hẹp. Cung tiền M2 đã sụt giảm khoảng 4,63% trong năm qua, đây là mức cao kỷ lục. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra trong lịch sử Mỹ, vì vậy có rất nhiều điều chúng ta không thể dự đoán trước.

Và nếu sự suy giảm như vậy không dẫn đến giảm phát thì quả là điều phi thường. Trước đây, việc cung tiền tăng cũng đã khiến lạm phát tăng theo.

Một số người cũng cho rằng khi lạm phát tăng cao, một chút giảm phát vẫn sẽ được coi là không quá tệ. Nhưng các chuyên gia kinh tế thường coi giảm phát là mối đe dọa lớn hơn. Bởi lẽ, khi thấy giá giảm, người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn việc mua hàng vì nghĩ có thể mua những thứ đó với giá thấp hơn vào thời gian sau.

Đây là vòng luẩn quẩn và gây ra suy thoái. Bởi lẽ tác động từ việc điều chỉnh chính sách có độ trễ, Mỹ sẽ không gặp phải tình trạng giảm phát ngay lập tức. Nhưng khi nó đến thì đã quá muộn để Fed kịp đưa ra các hành động kịp thời.

Vào tháng 11/2022, Fed đã thực hiện lần tăng lãi suất 0,75% cuối cùng vì họ bắt đầu lo lắng việc thắt chặt kinh tế quá mức có thể khiến nền kinh tế chậm lại.

Vậy nên trong 6 tháng sau, Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất - mỗi lần 0,25% hoặc 0,5%.

Ông Powell cũng đã cho rằng có thể sẽ không có thêm đợt tăng lãi suất nào nữa, nhưng hiện tại vẫn còn quá sớm để kết luận.

Như mọi khi, Fed vẫn đang chiến đấu với lạm phát. Đã đến lúc Fed cần đối diện với độ trễ chính sách và vượt qua tình huống giảm phát có thể xảy đến trong thời gian sắp tới.

Di Di
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục