Lướt trên cung đường lộng gió

(ĐTCK) Con đường ven biển Ninh Thuận quanh năm lộng gió được dân phượt xưng tụng là đường tắm nắng xuân.
Lướt trên cung đường lộng gió

Tuyến đường ven biển Ninh Thuận bây giờ là con đường đẹp nhất Việt Nam nối từ Cam Ranh (Khánh Hòa) sang Thuận Bắc (Bình Thuận) dài hơn 100 km, trị giá hơn 4.000 tỷ đồng và chỉ mới đưa vào sử dụng vài năm gần đây. Những kẻ lữ hành xưng tụng con đường bám sát bờ biển, quanh năm lộng gió này là đường tắm nắng xuân. Vi vu với xe gắn máy trên đường này giống như là “dạo bước trên không trung”.

Ninh Thuận yếu thế hơn hẳn Khánh Hòa và Bình Thuận trong phát triển du lịch, mặc dù không nghèo tài nguyên. Nhưng đó là hiện trạng trước khi mở đường ra biển. Mảnh đất Phan Rang vẫn được đùa là nắng như rang và gió như phan hóa ra lại là điểm đến mới mẻ, phù hợp với du lịch bụi, trẻ trung và thời tiết khí hậu thì ôn hòa không chê vào đâu được.

Trên cả dải đất hình chữ S Việt Nam tươi đẹp bốn mùa khác nhau, chỉ có TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh lỵ của tỉnh Ninh Thuận là gió lộng cả bốn mùa không ngừng nghỉ. Vì thế, nơi này không khí lúc nào lưu thông, trong lành, sạch sẽ. Phóng xe máy qua cung đường trong mơ qua biển Ninh Thuận, cảm giác được nhấc mình lên không trung, hơi thở nhẹ hẳn, lồng ngực như được dồn ra ngoài hết khí độc đã ngấm vào cơ thể sau bao tháng ngày sống mòn ở đô thị.

Lên đường! Chúng tôi gọi một cú điện thoại ở Sân bay Cam Ranh. Một người trẻ khởi nghiệp nghề “bọc lót” cho dân du lịch bụi đã “apply” số điện thoại của cậu ấy lên mạng internet với mục đích cho thuê xe gắn máy, để khách du lịch muốn đi cung đường biển tìm thấy nhanh nhất. Xe được mang tới trong vòng vài phút sau cuộc gọi.

Điều ngạc nhiên nhất của tôi là thanh niên trẻ tên Phước này không cần khách phải đặt tiền cọc, không cần giấy tờ gì thêm ngoài miếng giấy chứng minh thư cũ đến ảnh chân dung trên đó còn không giống người thật. Phước đưa xe cho chúng tôi kèm một cái nhoẻn cười sạm nắng gió rồi quay gót. Vậy là trước mắt chúng tôi là con đường trong mơ và niềm an lòng sẵn có từ sự tin tưởng miễn phí của những người lạ cho thuê chiếc xe gắn máy.

Nếu bạn là một kẻ thành thị với 360 ngày kẹt xe tới công sở, thì cung đường biển Ninh Thuận sẽ là một cú sốc khá nặng. Ta hãy gọi đó là sốc không gian. Một khoảng trời nước xanh ngắt và trong lành cứ hiện ra trước mắt mỗi khúc quanh trên đường vắng vẻ. Thảng hoặc có một vài anh bạn phượt nghênh nghênh chậm rãi chạy ngược chiều. Hình như ai cũng muốn thu vào tầm mắt biển rộng trời cao, chỉ sợ chạy ngang đi, không mang theo được cảnh trời nước đẹp thế. Chẳng có máy ảnh nào có thể chụp được vượt khung không gian bao la ấy.

Con đường này cắt ngang Vườn Quốc gia Núi Chúa, một khu vực rừng cấm gồm hệ thực vật có một không hai. Khí hậu nắng gió khô hạn khiến cho khu vực này chỉ tồn tại được các loại cây gai trụi lá trơ khấc khẳng khiu. Các tảng đá trọc đầu cỡ lớn gối lên nhau và lớp đất mỏng phủ lên toàn bộ không đủ sức trữ nước mặt trong cái nắng chang chang. Quanh năm rừng già chỉ lúp xúp những bụi gai dầu, ô zô và cỏ cháy. Dù chỉ ngay bên cạnh, cả vùng nước biển xanh ngắt đang phơi trong nắng vàng.

Phải được ghé chân lại bên các đảo gần bờ ven biển Ninh Thuận, vì mỗi lần ghé lại, là một quãng nghỉ nhớ đời.

Trong chiếc tàu đáy kính ngang qua rạn san hô ngầm, ta có thể với tay thấy rong rêu trôi trong làn nước xanh. Ở đó, những đàn cá của rạn sa hô sặc sỡ đủ màu quẩn quanh chân mình. Ngồi trên nhà bè nổi ăn bữa trưa với nắng chói, ăn một cách bình dân nhất món tôm hùm nướng phô mai cung đình nổi tiếng giá chưa tới tiền triệu. Đừng quên ghé vịnh Vĩnh Hy, nơi lặn biển ngắm rạn san hô diện tích lớn nhất, đẹp nhất trên biển Việt Nam.

Gần ngay đó, những vườn nho chín lúc lỉu những chùm quả giòn thanh vị chua mát. Có thể bạn gặp may, nếu đáp trúng vườn nho có chủ vườn thân thiện, am hiểu vùng trồng nho lâu đời này, có thể kể bạn nghe cuộc thăng trầm của vùng đất trồng nho lâu đời nhất Việt Nam. Nơi này vốn là vùng nho nguyên liệu sản xuất rượu vang Đà Lạt, mà qua thời gian, trái nho trở thành trái cây thứ cấp, bán cho thị trường bình dân, giờ bán cho khách du lịch cắt ăn tại vườn. Dù người ta ngang qua cứ thích thú mãi, nhưng chủ vườn chẳng làm ăn lớn được, vãn khách thì bán buôn cho chợ lẻ. Cả vùng nho rộng lớn mà mỗi nhà chỉ sở hữu vài vườn nho, lại chín rộ không cùng một thời điểm.

Hồi cung đường biển Ninh Thuận mới mở ra, ngoài việc cắt ngang Vườn Quốc gia Núi Chúa, con đường còn cắt ngang cả nơi cư trú của cộng đồng người Raglay tại vùng lõi của Vườn. Họ vốn là những người quen săn bắn hái lượm, thường vào rừng đốn củi và lấy mật ong. Bảo vệ nguyên trạng vùng rừng đặc biệt này, phải chuyển hướng phương thức sinh tồn của họ. Chờ mãi không có sinh kế nào khả quan, họ nghĩ ra cách vào rừng nhặt hạt quả khô về xâu lại thành chuỗi bán cho khách du lịch ngang qua đây. Những chuỗi vòng bằng hạt cây rừng khá đẹp, thân thiện với môi trường. Và dần dần, cung đường du lịch chạy qua đây cũng làm thay đổi hình ảnh của người Raglay.

Họ có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, dù không thể trồng nho, lái tàu đáy kính hay khai thác hải sản, nuôi tôm hùm, nhưng có thể chắc chắn rằng, những vạt rừng làm rẫy cháy nham nhở, gỗ rừng bị đốn không còn nữa. Cung đường biển mở ra khiến cảnh quan bao gồm rừng và biển, khí hậu nhiệt đới trở thành tài nguyên tạo ra tài nguyên ở một cấp cao hơn.

Đó là một thứ tài nguyên nhân tạo!

Chúng tôi ra sân bay chia tay nắng gió! Người Ninh Thuận cuối cùng tiễn biệt lại là Phước - thanh niên cho thuê xe máy giá bình dân. Cậu lóc cóc ra tận sân bay nhận lại chiếc xe máy cho thuê. Cứ thế mỗi ngày cũng sẽ chẳng giàu được. Thái độ phục vụ của Phước đáng giá hơn những đồng tiền cho thuê xe cậu nhận được. Đôi khi tôi nghĩ biển trời Ninh Thuận đẳng cấp đỉnh cao đang được bán giá bình dân mỗi ngày. Rẻ mà chất thế, tại sao chưa đi?

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thụy Văn
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục