Lường trước nguy cơ giảm phát

(ĐTCK-online) Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009, TS. Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế TP. HCM phát biểu rằng, ông đánh giá rất cao báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội về vấn đề này.
Hiện tượng giảm phát xảy ra sẽ khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp vô vàn khó khăn. Hiện tượng giảm phát xảy ra sẽ khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp vô vàn khó khăn.

Theo ông Lịch, quan trọng nhất là Thủ tướng đã chỉ ra được 7 kết quả chủ yếu, đồng thời vạch ra được 7 hạn chế, yếu kém và đúc kết được 5 bài học kinh nghiệm mang tính khái quát cao để từ đó rút ra được bản chất của vấn đề là vì sao lạm phát và nhập siêu năm 2008 lại ở mức quá cao. "Tôi cho rằng, Chính phủ đã nhìn nhận đúng vấn đề hạn chế trong nội tại của nền kinh tế khi nhận định: Lạm phát ở nước ta có nguyên nhân từ giá cả thế giới tăng cao, nhưng chủ yếu là do cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, chính sách tiền tệ, tài khoá chưa thật phù hợp, kém hiệu quả; chất lượng và tính bền vững của nền kinh tế thấp; công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là về kinh tế vĩ mô tuy đã có bước tiến bộ nhưng còn nhiều bất cập", ông Lịch nhấn mạnh.

Kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững được Chính phủ coi là 3 mục tiêu lớn trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội năm 2009. Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về cơ bản đồng tình với các mục tiêu mà Chính phủ kiến nghị, tuy nhiên về tốc độ tăng GDP, Uỷ ban này kiến nghị chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5 - 7%. Khi thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% mà Chính phủ đề xuất bởi nhiều lý do. Thứ nhất, hệ thống tài chính - ngân hàng Mỹ rơi vào khủng hoảng, đang có xu hướng lan rộng làm cho nền kinh tế thế giới tiếp tục bất ổn. Thứ hai, công tác dự báo, quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta còn nhiều bất cập. Thứ ba, một số chỉ tiêu quan trọng trong các lĩnh vực chưa có liên quan mật thiết đến bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững, nên khó có khả năng hoàn thành kế hoạch 5 năm (2006 - 2010). Thứ tư, năng lực cạnh tranh của các DN vốn đã tồn tại nhiều hạn chế, nay gặp khó khăn nhiều hơn do chịu tác động kép từ vòng xoáy lạm phát và việc thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá.

"Tôi đồng tình với quan điểm chỉ nên đặt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong khoảng 6,5 - 7%", ông Lịch bày tỏ quan điểm nhưng cũng hết sức băn khoăn về chỉ tiêu này khi đưa ra dự báo trái ngược hẳn với các chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách là năm 2009 nhiều khả năng tình trạng giảm phát (thiểu phát) sẽ xảy ra. Biểu hiện của giảm phát đã lộ diện, cụ thể là Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ vừa cắt giảm sản lượng khai thác, mùa đông - thời gian mà các nước sử dụng nguyên liệu hoá thạch nhiều nhất trong năm đang đến gần, nhưng giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm trong hơn 1 tháng trở lại đây. Cuộc khủng hoảng tài chính - ngân hàng đã lan rộng ra toàn thế giới khiến thu nhập của người dân giảm và đi theo nó là nhu cầu tiêu dùng giảm - nguyên nhân dẫn đến giảm phát. "Hiện tượng giảm phát xảy ra, thị trường hàng hoá, dịch vụ ế ẩm, hàng hoá ứ đọng sẽ khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp vô vàn khó khăn thì nền kinh tế Việt Nam phải chống đỡ thế nào? Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách chỉ lo chống đỡ với lạm phát mà chưa nghĩ đến giải pháp để xử lý với kịch bản ngược lại", ông Lịch băn khoăn.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2009 gấp 1,8 lần GDP. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như vậy thì tốc độ tăng GDP phụ thuộc rất lớn vào thị trường xuất khẩu, nếu kịch bản giảm phát xảy ra sẽ tác động ngay tới tốc độ tăng GDP. Để hoá giải bài toán này, theo nhiều đại biểu Quốc hội, hướng điều hành kinh tế năm 2009 và những năm tiếp theo nên học tập kinh nghiệm của Trung Quốc là thay vì tập trung đẩy mạnh xuất khẩu thì nên hướng vào thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường nông thôn thông qua qua các chính sách tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn, cho DN nhỏ và vừa sản xuất - kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của thị trường này.

"Các tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế là những "vòi nước" khổng lồ, hàng ngày, hàng giờ phun nước (đầu tư công) ra xung quanh, do khâu kiểm tra, giám sát kém hiệu quả khiến bức tranh toàn cảnh của lạm phát càng thêm lầy lội", luật sư Nguyễn Đăng Trừng (đại biểu TP.HCM) dùng hình ảnh ví von về nguyên nhân chính gây ra lạm phát năm 2008. Vì vậy, theo ông Trừng, nếu kịch bản thiểu phát không xảy ra mà kịch bản lạm phát vẫn diễn biến phức tạp thì cần phải có các chính sách mạnh để "bịt các vòi nước" lại vì các "vòi nước" này hoạt động không hiệu quả. "Tất cả các định chế tài chính quốc tế có  mặt tại Việt Nam đều nhận định, nguyên chính gây ra khó khăn cho nền kinh tế, đẩy lạm phát lên cao là do đầu tư dàn trải của nhiều DNNN, đặc biệt là các tổng công ty, tập đoàn kinh tế. Năm 2008, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, tổng công ty, tập đoàn kinh tế cắt giảm 37.000 tỷ đồng đầu tư từ ngân sách nhà nước nên bước đầu đã kiểm soát được lạm phát. Để đối phó với lạm phát, năm 2009 cần tiếp tục rà soát lại các công trình kém hiệu quả, chưa thực sự bức thiết để cắt giảm đầu tư công", ông Trừng nói.

Nam Kinh
Nam Kinh

Tin cùng chuyên mục