Lương thưởng, chế độ đãi ngộ xứng đáng vẫn là lựa chọn đầu tiên của người lao động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Navigos Search vừa phát hành báo cáo “Tình hình thị trường lao động trong năm 2022: Thực trạng và Hướng đi” được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát của hơn 400 doanh nghiệp và hơn 3.000 người tìm việc tại thị trường Việt Nam.
Lương thưởng, chế độ đãi ngộ xứng đáng vẫn là lựa chọn đầu tiên của người lao động

Thị trường tuyển dụng bị mất cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu

Theo Báo cáo, gần 87% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do nhân viên chủ động xin nghỉ gia tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, 12% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc lên tới 30 - 40%. Gần 41% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc là 10 - 20%. Đây thực sự là một bài toán nan giải cho các doanh nghiệp khi tình hình sản xuất kinh doanh đang cần được đẩy mạnh khi thị trường bắt đầu phục hồi.

Tình hình thiếu hụt nhân lực tại TP. HCM và Hà Nội tăng cao, tương ứng gần 23% và gần 15%. Các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất là Dịch vụ - Xây dựng/Kiến trúc - Bất động sản - Bán buôn/Bán lẻ - Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch - Công nghệ thông tin - Tài chính/Kế toán/Kiểm toán…

Trong khi đó, số liệu của khảo sát cho thấy, 60% người tìm việc vẫn có việc làm ổn định tại công ty, 20% người tìm việc đã thôi việc nhưng chưa có việc mới, 15% người tìm việc đã thôi việc và đã có việc làm thời vụ, 2% người tìm việc đã thôi việc, tự ra làm riêng. Như vậy, có thể thấy, số lượng người lao động đang không có việc làm ổn định chiếm tới 40% số lượng người tìm việc tham gia khảo sát.

Khi được hỏi về lý do người lao động sau khi thôi việc nhưng chưa tìm việc làm mới, hơn 20% người tham gia khảo sát cho biết họ muốn được nghỉ ngơi trước khi tìm việc mới, hơn 18% sẽ kinh doanh tự do hoặc tìm công việc bán thời gian, gần 12% chưa vội tìm kiếm công việc mới. Số liệu này cho thấy, người lao động sẵn sàng chờ đợi thêm để tìm được đúng công việc phù hợp với nhu cầu cá nhân, hoặc muốn tìm các công việc có thời gian cân bằng cuộc sống nhiều hơn cũng như tìm kiếm các cơ hội mới để thử thách và khám phá nhiều hơn.

“Gần 80% người lao động đang có việc làm toàn thời gian có ý định chuyển việc. Điều này có thể thấy, khi nền kinh tế bắt đầu khôi phục trở lại sau đại dịch Covid, hầu hết người lao động dù đang có việc làm, vẫn mong muốn tìm kiếm cơ hội mới để phát triển. Xu hướng thích an toàn, tìm một công việc ổn định hiện nay không được nhiều người lao động đánh giá cao so với trước đây”, Báo cáo cho biết.

Theo thống kê từ khảo sát, các cấp bậc như Thực tập sinh, Nhân viên có kinh nghiệm và Giám đốc chiếm 80% nhân lực muốn tìm kiếm công việc mới. Trong đó, khối Tài chính/Kế toán/Kiểm toán; Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch; Hàng tiêu dùng; Xuất khẩu/Nhập khẩu; Bất động sản... là những nhóm ngành có tỉ lệ người lao động muốn chuyển việc cao nhất với trên 80% bình chọn. Điều này cho thấy, trong thời gian tới, doanh nghiệp nên dành nhiều thời gian để nghiên cứu các chiến lược giữ chân nhân viên mới.

Sôi động nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động

89% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, họ sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm tuỳ theo quy mô và nhu cầu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có quy mô từ 300 - 1.000 lao động tăng tuyển dụng từ 50 - 60%. Với các doanh nghiệp có quy mô từ 101 - 300 lao động sẽ tăng tuyển dụng từ 10 - 40%. Các doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động cũng có nhu cầu tăng tuyển dụng cao hơn 50 - 60%.

Bên cạnh tỷ lệ chiếm hơn một nửa số doanh nghiệp cho biết sẽ tăng lương để giữ chân nhân tài, thì còn có thêm các lựa chọn khác dành cho người lao động như hỗ trợ chi phí học tập, đào tạo kỹ năng mới; đo lường sức khoẻ nhân sự bằng khối lượng công việc; chăm sóc sức khoẻ - bảo hiểm; linh động về thời gian và địa điểm làm việc.

Để đáp ứng nhu cầu phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đang ưu tiên tuyển người lao động thuộc các phòng ban, bao gồm: Kinh doanh/Bán hàng: 72%; Kỹ thuật: 12%; Công nghệ thông tin: 9%; Tiếp thị - Marketing: 4%; Tài chính/Kế toán/Kiểm toán: 3%.

Ngoài ra, khảo sát cho thấy, 40% doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển người lao động có 2 năm kinh nghiệm trở lên, 28% ưu tiên tuyển người lao động dưới 2 năm kinh nghiệm và 24% sẽ tuyển dụng các cấp bậc Trưởng nhóm/Giám sát.

Dữ liệu cho thấy, 80% người lao động ở các cấp độ tham gia khảo sát cho biết họ có nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới trong 6 tháng cuối năm 2022. Điều này cho thấy thị trường lao động sẽ rất sôi động và sự cạnh tranh giữa các ứng viên là rất cao.

Đáng chú ý, nhu cầu tìm việc của nhóm Thực tập sinh là 92%, nhóm Fresher/Entry level (nhóm người tìm việc gia nhập thị trường lao động, thường là đã tốt nghiệp Đại học/Cao đẳng…) chiếm 88%, nhóm người lao động dưới 2 năm kinh nghiệm là 89%, nhóm trên 2 năm kinh nghiệm (không phải là cấp quản lý) là 78%, nhóm Quản lý/Trưởng nhóm là 80% và nhóm Giám đốc là 79%.

Các nhóm ngành có nhu cầu ứng viên tìm việc cao nhất có thể kể đến: An toàn môi trường, Bảo hiểm, Bất động sản, Hóa học/Hóa sinh, Nhân sự, Hành chính/Pháp lý và Y/Nha/Dược.

Cũng theo khảo sát, 51% người lao động tham gia khảo sát muốn chuyển việc ngay trong 6 tháng cuối năm này. Điều này lại càng khẳng định về xu hướng cạnh tranh về ứng viên rất gay gắt trên thị trường lao động trong nửa năm cuối 2022.

19% người tìm việc sẽ chuyển việc trong vòng 1-2 năm tới và 12% sẽ chuyển việc sau 2 năm tới. Đây là nhóm người lao động đang có công việc ổn định trong tương lai gần và sẽ cân nhắc chuyển việc khi thị trường việc làm đã hoàn toàn hồi phục sau Covid. Xu hướng ổn định trong công việc và không có ý định nghỉ việc vẫn có 9% người tham gia khảo sát lựa chọn.

Người lao động tham gia khảo sát này đã chọn ra 5 tiêu chí mong muốn đạt được khi tìm kiếm một công việc mới, xếp lần lượt bao gồm: Lương thưởng, Chế độ đãi ngộ xứng đáng - Môi trường tạo động lực với sếp và đồng nghiệp thân thiện - Lộ trình thăng tiến rõ ràng và cuối cùng là Sức mạnh của thương hiệu doanh nghiệp.

Trong 6 tháng cuối năm, 65% người lao động ở hầu hết các nhóm ngành đều mong muốn tìm một công việc toàn thời gian (Full time). Người lao động từ các nhóm ngành ưu tiên lựa chọn công việc toàn thời gian đến từ lĩnh vực Nghệ thuật giải trí (100%) - Sản xuất (95%) - Nông, lâm thuỷ sản (92%) - Y/Nha/Dược (89%) và nhóm ngành về môi trường (88%).

Navigos Search gợi ý, doanh nghiệp nên đề xuất những giải pháp mới để ứng biến linh hoạt trong hoạt động tuyển dụng sắp tới cho doanh nghiệp và phát triển nhân tài nội bộ.

Đối với người lao động, cần chọn đúng thời điểm tìm việc. Tự đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Bên cạnh đó, nâng cao và trau dồi những kỹ năng phù hợp với các cơ hội việc làm tốt hơn trong thời kỳ chuyển đổi số, nâng cao khả năng chấp nhận rủi ro và mở rộng mạng lưới mối quan hệ.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục