Lượng nợ xấu nhà băng “tồn” tại VAMC chỉ giảm…rất nhẹ

(ĐTCK) Ðến cuối năm 2018, ước tính có đến 340.000 tỷ đồng nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua lại từ các ngân hàng bằng trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 4/2019, VAMC mới xử lý 190.000 tỷ đồng, tương đương hơn 56% tổng số nợ xấu được tổ chức này mua về.

Con số cập nhật trên cho thấy, những nỗ lực xử lý nợ xấu làm đẹp bảng cân đối tài sản mới chủ yếu được thực hiện ở một vế là nợ nằm tại chính các ngân hàng, còn đối với số nợ mà các ngân hàng “bán có thời hạn” 5 năm cho VAMC thì rất chậm chạp. Ðiều này tạo một rủi ro tương lai khi hết thời hạn 5 năm, nếu VAMC không xử lý được và trả lại chính các ngân hàng (VAMC mua nợ chủ yếu trong giai đoạn 2013-2017, còn từ năm 2018 đến nay, lượng mua giảm).

Tất nhiên về mặt hạch toán, trong mỗi năm, các ngân hàng đều có trích lập dự phòng cho số trái phiếu hoán đổi nợ với VAMC, nên sau 5 năm, dù tài sản nợ xấu không xử lý được thì vẫn không ảnh hưởng lớn tới tài chính các ngân hàng. Tuy nhiên, phải thấy rằng, nếu không thu hồi được nợ thì đây sẽ là khoản “nợ mất vốn”, ngân hàng đã mất đi khoản thu nhập đáng ra họ phải nhận được.

Ðến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận đã có 5/24 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC, bao gồm Vietcombank, MBBank, Techcombank, OCB và VIB theo hình thức mua lại nợ đã bán mang về tự xử lý. Nhưng đây vẫn là con số “đáng ghi nhận mà thôi”, bởi theo thống kê từ 24 ngân hàng đã công bố báo cáo kiểm toán, đến cuối năm 2018, tổng lượng trái phiếu đặc biệt của VAMC mà các ngân hàng này đang nắm giữ lên tới 126.700 tỷ đồng, chỉ giảm 0,5% so với cuối năm 2017.

Nếu nợ xấu được xử lý và số tiền dự phòng cho lượng trái phiếu này được hoàn nhập thì kết quả kinh doanh 2018 của khối ngân hàng sẽ “rực rỡ” hơn rất nhiều.

Nhìn vào chi tiết số nợ xấu đang “tồn” tại VAMC, Sacombank là ngân hàng có con số lớn nhất, lên tới 40.233 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2018, giảm 7,5% so với đầu năm. Theo sau là SCB với dư nợ hơn 26.600 tỷ đồng, tăng 10,6%; BIDV với hơn 14.100 tỷ đồng, giảm 36,8%,...

Bán nợ cho VAMC là một phương thức xử lý nợ chủ yếu của các ngân hàng để giãn thời gian hạch toán nợ xấu (lên 5 năm), đồng thời là một cách làm đẹp bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, bán nợ cho VAMC cũng không đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ xấu này, mà vẫn phải xử lý.

Nợ xấu vẫn có khả năng quay lại ngân hàng nếu sau 5 năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) chưa được xử lý. Hơn nữa, tuy đã bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao ở mức 20% đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm, chỉ trừ vài trường hợp đặc biệt, dạng ngân hàng đang phải tái cơ cấu được trích lập dự phòng ở mức 10% theo thời hạn trái phiếu 10 năm.

Quy định về mua nợ xấu của VAMC tới đây sẽ được thay đổi. Ðược biết, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC để thay thế cho Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013. Phạm vi điều chỉnh Thông tư này quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu; phát hành, quản lý và thanh toán trái phiếu đặc biệt, trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC.

Việc sửa đổi này là nhằm quy định rõ ràng để các đơn vị thực hiện thống nhất, đúng quy định. Theo đó, ngoài quy định tại điểm c Thông tư 19, VAMC cần căn cứ quy định khác của pháp luật hiện hành liên quan đến từng loại tài sản bảo đảm và thực tế thẩm định, kiểm tra hồ sơ tài sản bảo đảm do tổ chức tín dụng cung cấp, kiểm tra tài sản bảo đảm để xác định hồ sơ, giấy tờ hợp lệ phù hợp với từng loại tài sản bảo đảm...

Trên thực tế, thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh phát mại tài sản, thu hồi nợ xấu, song vẫn còn nhiều khó khăn nên chưa thể bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu, dù khoản tài sản đó đã được giảm giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi khó khăn khi cục “máu đông” nợ xấu chưa thể đánh tan. Nợ xấu của ngành chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Nhưng quá trình xử lý nợ hiện còn nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian để phát mại được tài sản thế chấp.

Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, việc sửa đổi các quy định về mua nợ xấu là cơ hội để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ nếu hình thành được thị trường mua - bán nợ và cho phép sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Ðây cũng là điều mà thị trường kỳ vọng với việc sửa đổi hành lang pháp lý. Dự kiến, sau khi lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin của NHNN, Thông tư sẽ được ban hành trong quý II/2019, đảm bảo mục tiêu đưa nợ xấu toàn ngành ngân hàng đến năm 2020 về dưới 3% theo yêu cầu Thống đốc NHNN.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục