Liên quan đến phản ánh về kế hoạch tiền lương năm 2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó có nội dung “dự kiến mức lương bình quân của người quản lý tại EVN năm 2020 theo đề xuất tăng 37% so với mức thực hiện năm 2019, trong khi mức tiền lương bình quân của người lao động tại Công ty mẹ EVN kế hoạch năm 2020 tăng khoảng 4% so với mức thực hiện năm 2019”, phía EVN vừa cho hay, đây chỉ là nội dung dự thảo ban đầu chứ không phải phương án kế hoạch được EVN thông qua để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét.
Tại thời điểm đó, trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, tài chính năm 2019 và kế hoạch sản xuất - kinh doanh tài chính năm 2020, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch tiền lương theo quy định tại Thông tư 26, 27/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo đó, tiền lương của người lao động thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH gắn với chỉ tiêu năng suất lao động, lợi nhuận kế hoạch năm 2020 so với thực hiện năm 2019.
Tiền lương của người quản lý Công ty mẹ - EVN được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư 27/2016/TT-BLĐTBXH gắn với lợi nhuận kế hoạch của Công ty mẹ.
Căn cứ vào chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch năm 2020 của Công ty mẹ EVN được giao, năng suất lao động tăng so với thực hiện năm 2019 nên mức lương bình quân kế hoạch của Người quản lý được xác định căn cứ điểm c khoản 2 Điều 10 Thông tư 27: Công ty có năng suất lao động bình quân không giảm và lợi nhuận kế hoạch cao hơn lợi nhuận của năm trước liền kề thì mức tiền lương kế hoạch được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản và hệ số điều chỉnh tăng thêm (Kđch) tối đa bằng 1,0 lần mức lương cơ bản.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, EVN nhận thấy cần rà soát lại để xây dựng kế hoạch tiền lương năm 2020 trên cơ sở cập nhật các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến tình hình sản xuất - kinh doanh, cân đối tài chính của Tập đoàn.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích và cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính quý I/2020, EVN đã xây dựng kế hoạch tiền lương mới, phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Theo đó, để giảm một phần chi phí, EVN đã điều chỉnh hệ số điều chỉnh tăng thêm là 0,5 – như đã thực hiện trong các năm qua, thay cho là 1 như đã nêu trong phương án cũ để xây dựng kế hoạch quỹ tiền lương của người quản lý năm 2020.
Với hệ số điều chỉnh tăng thêm là 0,5 - quỹ tiền lương kế hoạch của người quản lý Công ty mẹ - EVN năm 2020 là 8,064 triệu đồng, tương ứng với mức tiền lương bình quân là 48,432 triệu đồng/người/tháng - tăng 2,67% so với thực hiện năm 2019.
Kế hoạch tiền lương này được EVN chính thức báo cáo, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
- Theo báo cáo thường niên 2019 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tiền lương, thù lao kiêm nhiệm của HĐQT tham gia và Ban quản lý điều hành (gồm Tổng giám đốc, các Phó tổng Giám đốc, Kế toán trưởng) là: 11,409 tỷ đồng. Tiền lương của các Ủy viên HĐQT chuyên trách, thù lao của các Ủy viên HĐQT kiêm nhiệm khác là: 3,901 tỷ đồng.
Với 16 người ở cấp quản lý, tính ra bình quân tiền lương và thù lao của lãnh đạo tại Petrolimex là 79,7 triệu đồng/người/tháng.
- Tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Chủ tịch HĐQT có tiền lương và thù lao bình quân 69,4 triệu đồng/tháng. Còn Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc có tiền lương bình quân 101,58 triệu đồng/tháng.
- Tại Công ty cổ phần - Tổng công ty Hóa chất và Phân bón Dầu khí (Đạm Phú Mỹ) bình quân lương của cán bộ quản lý (HĐQT, Ban tổng giám đốc) là 64,46 triệu đồng/người/tháng.
- Khối các ngân hàng đã tiến hành cổ phần như Vietcombank, Vietinbank hay BIDV, mức tiền lương và thu lao của cấp quản lý (HĐQT và Ban điều hành) là bình quân quanh mức 200 triệu đồng/người/tháng.