Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25%/năm xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm. Quyết định điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực ngay từ ngày 16/9/2019.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, nhiều năm trở lại đây, thông điệp được đưa ra từ đầu năm của NHNN rất rõ ràng “điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt”, bám sát mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là duy trì ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh…
Theo đó, quyết định này không khác gì so với định hướng của NHNN từ đầu năm đến nay và cũng phù hợp với diễn biến chung của kinh tế thế giới, cũng như thị trường tiền tệ hiện nay.
“Tôi cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành không bất ngờ và cũng không tác động nhiều tới các ngân hàng bởi NHNN đã có định hướng xuyên suốt đối với thị trường từ nhiều năm nay”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ðồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Ðức Hiếu, Phó tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh tiền tệ SCB cho rằng, mọi yếu tố đều sẵn sàng cho quyết định hạ lãi suất của cơ quan quản lý khi mà lạm phát được kiểm soát, thị trường ngoại hối diễn biến ổn định và các quốc gia trên thế giới đã hạ lãi suất.
Thực tế, thông tin phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán tìm hiểu được cho thấy, điều kiện thuận lợi trên thị trường ngoại hối trong tháng 8 cũng đã giúp NHNN mua về được trên 1 tỷ USD và chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 9 đã mua thêm khoảng 2 tỷ USD.
“Ðây là lần hạ lãi suất đầu tiên của NHNN trong năm nay, thể hiện sự thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ, nhưng cũng rất linh hoạt của cơ quan quản. Ngay sau khi thông tin hạ lãi suất được công bố, thị trường chứng khoán đã phản ứng tích cực, VN-Index đã tăng hơn 11 điểm phiên cuối tuần cho thấy đây là quyết định phù hợp với thời điểm hiện tại”, lãnh đạo SCB nói.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá, NHNN giảm lãi suất điều hành trong xu hướng giảm lãi suất của các quốc gia khác trên thế giới để hỗ trợ nền kinh tế. Bởi thực tế, kinh tế Việt Nam tuy ổn định, nhưng ít nhiều chịu ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, nên khó có thể “án binh bất động” với lãi suất.
Trước đó, nghiên cứu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tính từ đầu tháng 8/2019, đã có khoảng 19 ngân hàng trung ương trên thế giới hạ lãi suất cơ bản, trong số đó có 3 ngân hàng trung ương của các nước Ðông Nam Á là Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Bên cạnh đó, Úc và New Zealand cũng để ngỏ khả năng tiếp tục giảm lãi suất về mức 0% sau hai lần giảm lãi suất từ đầu năm 2019, hay như Hàn Quốc đã phát đi tín hiệu về khả năng sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay để ngăn chặn đà sụt giảm sâu của nền kinh tế.
“NHNN đã giảm lãi suất điều hành 25 điểm phần trăm, tương đương với mức giảm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong lần giảm hồi cuối tháng 7 vừa qua. So với mặt bằng lãi suất chung hiện tại, mức giảm này là nhỏ cho thấy nhà điều hành tiếp tục duy trì chính sách điều hành lãi suất vừa thận trọng, vừa linh hoạt”, TS. Hiếu nói.
Cũng theo TS. Hiếu, việc hạ lãi suất tác động cả 2 chiều. Ở chiều tích cực, lãi suất điều hành giảm tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chiều ngược lại, lãi suất giảm có thể làm tăng lạm phát bởi khi lãi suất hạ sẽ khuyến khích người dân đi vay, đẩy tiền vào lưu thông. Bên cạnh đó, lãi suất hạ sẽ hạ giá trị tiền đồng, khiến tỷ giá tăng lên.
“Những tác động này bù trừ nhau, có độ trễ riêng và trong mỗi lĩnh vực, mức độ tác động sẽ khác nhau. Ðặc biệt, tại Việt Nam, thị trường 1 và 2 không tác động mạnh mẽ tới nhau, nên sức lan tỏa của việc hạ lãi suất từ thị trường 1 lên thị trường 2 sẽ không mạnh”, TS. Hiếu nhấn mạnh.