Ngày 28/10, tại Quần thể danh thắng Tràng An, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch Ninh Bình, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường tổ chức Hội nghị công bố Đề án nghiên cứu về Lượng giá giá trị kinh tế của Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên duy nhất của của Đông Nam Á đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2014.
Đề án được tài trợ bởi Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường - chủ đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính.
Các đại biểu tham dự Hội nghị công bố Đề án nghiên cứu “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An”. |
Dự hội nghị có Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng, trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về Ưu tiên châu Phi và Quan hệ đối ngoại Firmin Edouard Matoko, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Jonathan Baker, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đại diện Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học quốc gia Hà Nội), đại biểu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.
Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc, ông Jonathan Baker Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh: việc nhận diện, đánh giá chính xác giá trị kinh tế - thương hiệu di sản thế giới của Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản bền vững, tăng cường nhận thức và trách nhiệm cộng đồng mà còn giúp đưa ra định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề dân sinh, dân kế, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Đánh giá tổng thể bức tranh của Di sản Tràng An sau 10 năm nhận danh hiệu Di sản thế giới hỗn hợp, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An” đã xây dựng Đề án thông qua 4 nhánh nghiên cứu: Di sản tự nhiên; di sản văn hóa; di sản định cư; kinh tế du lịch và các giá trị phức hợp nổi bật của nhân loại và Đông Nam Á.
Theo đó, Đề án đã lượng giá giá trị thương hiệu - kinh tế của các địa điểm - công trình đại diện tại di sản, đang đưa vào bảo tồn và khai thác hoạt động du lịch.
Đồng thời lượng giá tổng thể giá trị thương hiệu - kinh tế của di sản thế giới hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An gắn với bối cảnh của chính sách, chiến lược, quy hoạch và đồng bộ kết nối cộng đồng dân cư bản địa, quản lý di sản và nghiên cứu mang tính đặc thù. Có được kết quả định lượng giá trị, bổ sung cứ liệu, tạo nền tảng định hướng chính sách “Lấy Di sản Tràng An – Hoa Lư” làm động lực thúc đẩy kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế sáng tạo; Bảo tồn di sản làm nguồn cội để phát triển đô thị Di sản (Thiên niên kỷ) trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ ở Việt Nam.
Thực hiện lan tỏa thương hiệu di sản thế giới hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An ra thế giới, Đông Nam Á và quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đưa Di sản Tràng An cùng tham gia vào mạng lưới các đô thị di sản thế giới; mạng lưới các thành phố sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục công bố Đề án nghiên cứu “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An” tại hội nghị. Ảnh: Minh Đường. |
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục cũng nêu rõ, Đề án sẽ trả lời câu hỏi khoa học về giá trị kinh tế di sản, giá trị kinh tế do cơ hội mà di sản mang lại là bao nhiêu, trong bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản. Những giá trị này cần được định lượng thông qua các Phương pháp lượng giá khoa học tổng thể di sản. Bởi định lượng giá trị để lan tỏa giá trị thương hiệu Tràng An - Hoa Lư mà du khách sẵn sàng chi trả để tham quan và quảng bá cho di sản vô giá này ra quốc gia và quốc tế.
Các kết quả lượng giá đề án được công bố quốc tế về mặt khoa học và truyền thông quốc tế những giá trị hiện tại và giá trị cơ hội trong tương lai của Di sản thế giới phức hợp quan trọng này.
Cùng với đó, Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An” phục vụ cho giai đoạn thực thi Quy hoạch tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2024: Phát triển thành phố Hoa Lư từ cội nguồn của di sản Quần thể danh thắng Tràng An, theo tính chất Đô thị di sản thiên niên kỷ và thành phố sáng tạo – là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.
Đồng thời định lượng giá trị Di sản để xây dựng chính sách đổi mới Mô hình phát triển bền vững gắn với nền kinh tế di sản, kinh tế du lịch, kinh tế sáng tạo là động lực mới.
Ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Ưu tiên châu Phi và Quan hệ đối ngoại phát biểu tại hội nghị. |
Ông Firmin Edouard Matoko, trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Ưu tiên châu Phi và Quan hệ đối ngoại cho biết, qua tiếp xúc với người dân trong Quần thể danh thắng Tràng An ông nhận thấy Di sản đã mang lại sinh kế bền vững, việc làm ổn định và phát triển văn hóa cho người dân. Đề án rất có giá trị bởi không phải Di sản nào cũng có giá trị kinh tế lớn như Quần thể danh thắng Tràng An.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phát biểu tại lễ công bố Đề án. |
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho rằng: Cần thiết lập chiến lược hành động phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch và kinh tế sáng tạo làm động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hoa Lư - trở thành “Đô thị di sản thiên niên kỷ", thành phố sáng tạo trong tương lai.
Việc lượng hóa giá trị kinh tế của một di sản không chỉ dừng lại ở các con số cũng như đơn thuần là công cụ đánh giá giá trị kinh tế, quan trọng hơn là nâng cao nhận thức về giá trị di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Thông qua dự án này làm sâu sắc các giá trị phức hợp của tổng thể di sản gồm: Hệ sinh thái tự nhiên, giá trị lịch sử - văn hóa, di sản định cư và giá trị lan tỏa thương hiệu. Kết quả Đề án được công bố quốc tế về mặt khoa học, từ đó tạo cơ sở để UNESCO kết nối các tổ chức quốc tế có uy tín, cùng công bố giá trị tổng thể của di sản theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Để thực hiện thành công Đề án, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình đề nghị, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong khu di sản tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chuyên gia, nhà khoa học trong nghiên cứu, dự báo, cập nhật thông tin và xây dựng kế hoạch bảo tồn, khai thác, phát triển bền vững di sản. Nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế phối hợp nghiên cứu, đưa ra giải pháp, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp trong quản lý, khai thác bền vững giá trị nổi bật toàn cầu của di sản...
Các doanh nghiệp khai thác du lịch trong khu di sản thực hiện nghiêm quy định, quy chế quản lý di sản; ưu tiên phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái trong khu di sản; xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu của khu di sản... Đồng thời giữ gìn, bảo tồn môi trường thiên nhiên, phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cũng đề nghị, Văn phòng UNESCO Hà Nội, Trung tâm Di sản thế giới, cơ quan tư vấn của UNESCO, chuyên gia quốc tế phối hợp chặt chẽ với Sở, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học quốc gia Hà Nội) triển khai thực hiện, công bố kết quả Đề án. Trên cơ sở đó tiến tới xây dựng Tuyên bố Tràng An hoặc cao hơn là Hiến chương về Di sản thế giới hỗn hợp Tràng An.