
Hơn 22 tỉ USD vào Việt
Chỉ tính 5 nguồn trên từ đầu năm 2007 đến nay đã đạt khoảng 22,4 tỷ USD. Nếu tính cả số ngoại tệ mà các doanh nghiệp vay của nước ngoài thì lượng ngoại tệ vào nước ta còn lớn hơn nữa. Ngoài ra, thuộc về tổng nguồn, còn có một lượng ngoại tệ không nhỏ ở trong dân cư do lãi suất USD gửi ngân hàng thương mại hiện chỉ thấp bằng khoảng một nửa lãi suất VND, nên đã không gửi vào ngân hàng thương mại nữa hoặc đến kỳ đáo hạn đã rút ra để hoặc là thanh toán trực tiếp, hoặc là bán lấy VND để đầu tư vào vàng, bất động sản, gửi tiết kiệm hoặc chi tiêu...
Trong khi cung về ngoại tệ tăng mạnh như trên, thì cầu về ngoại tệ tăng thấp hơn. Để tăng dự trữ ngoại hối, tránh cho đồng VND lên giá ảnh hưởng không tốt tới xuất nhập khẩu và nhập siêu, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 9 tỷ USD (tập trung chủ yếu vào tháng 6 đầu năm ngoái). Kim ngạch nhập siêu năm ngoái là 12,4 tỷ USD. Cộng hai khoản chủ yếu này thì cầu ngoại tệ đạt khoảng 22,4 tỷ USD, thấp hơn cung ngoại tệ khoảng 1 tỷ USD. Nếu kể cả các nguồn chưa thống kê được (nguồn doanh nghiệp vay nước ngoài, nguồn ngoại tệ trong dân,...) thì chênh lệch còn lớn hơn nữa.
Tiền đồng lên giá
Ngoại tệ cũng là một loại hàng hoá - hàng hoá đặc biệt - nên cũng chịu tác động của quy luật cung cầu. Khi cung lớn hơn cầu thì giá USD sẽ giảm là tất yếu. Chính vì thế mà tỷ giá VND/USD ở nước ta từ tháng 1 đến tháng 5.2007 đã giảm, mặc dù ngay từ tháng 1.2007 ngân hàng Nhà nước đã nới rộng biên độ giao dịch từ ± 0,25% lên ± 0,5%, chỉ tăng nhẹ (khi Ngân hàng Nhà nước đưa tiền ra mua một lượng lớn USD), nhưng cũng chỉ được mấy tháng, tính chung cả năm 2007 vẫn bị giảm 0,3%. Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định nới rộng biên độ giao dịch từ ±0,5% lên ±0,75%. Bước sang ngày đầu năm 2008, giá USD tiếp tục giảm: ngày 7.1 mua vào 15.987 VND/USD, bán ra 15.995 VND/USD, vừa thấp hơn mức 16.107 VND/USD giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng áp dụng trong cùng ngày do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, vừa thấp nhất kể từ tháng 8.2006, giảm 65 - 70 VND/USD so với mức cách đây một năm. Một trăm USD trước đây mua được 2 chỉ vàng thì nay mua chưa được 1 chỉ vàng (giá vàng 4 số chín bán ra hiện ở mức 1,66 triệu đồng/chỉ).
Sự sụt giảm của tỷ giá VND/USD ở Việt Nam ngoài nguyên nhân trên còn do tác động của nhiều yếu tố khác, trong đó yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu là USD giảm giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Đáng lưu ý, tốc độ giảm giá của USD so với các đồng tiền khác còn lớn hơn nhiều so với VND.
Việc tỷ giá VND/USD giảm sẽ làm cho nước ta bị thiệt hại về xuất khẩu, nhưng được lợi về nhập khẩu, về vay nợ nước ngoài. Do nhập siêu lớn và số nợ cũng cao, cộng với tình hình lạm phát có nguy cơ gia tăng vào năm tới, nhất là Tết nguyên đán đã đến gần, cần thiết phải chấp nhận sự lên giá của VND. Hơn nữa, VND/USD giảm cũng có nghĩa là giá hàng nhập khẩu giảm. Có một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra nhiều ý kiến lo ngại về sự lên giá của VND và đặt câu hỏi sao không thấy Ngân hàng Nhà nước can thiệp? Nhưng nếu can thiệp có nghĩa là đưa tiền ra mua ngoại tệ; làm điều đó vào thời điểm này chẳng khác gì “đổ dầu vào lửa” - ngọn lửa lạm phát, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nói chung, đặc biệt là người tiêu dùng có thu nhập thấp.