Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đang chủ trì 5 đề án lớn liên quan đến tiền lương gồm: Đề án lương tối thiểu; Quan hệ tiền lương; Lương cho sản xuất kinh doanh; Lương cho người có công và Bảo hiểm xã hội.
Đối với dự án Quan hệ tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu việc áp dụng hệ số tối đa trên cơ sở chức năng cao nhất hoặc tùy theo mức độ phức tạp của công việc. Theo đó, hệ số tối đa dự kiến có thể được nâng lên 15 thay cho mức 13 hiện tại, áp dụng đối với chuyên viên cao cấp bậc 3. Mức trung bình được nâng từ 2,34 lên 3,5. Khi đó ứng với các mức tối thiểu - bình quân - tối đa lần lược là hệ số 1 - 3,5 và 15.
Như vậy, nếu ứng hệ số trên với lương tối thiểu hiện hành thì các mức tối thiểu - trung bình và tối đa sẽ lần lượt là 830.000 đồng - 2,905 triệu đồng và 12,45 triệu đồng một tháng. Còn nếu tính theo mức tối thiểu 1,05 triệu đồng mà Quốc hội đang xem xét thì tính theo hệ số mới, mức lương sẽ lần lượt là 1,05 triệu đồng (bậc 1) - 3,675 triệu đồng (hệ số 3,5) và 15,75 triệu đồng (hệ số 15).
Nguồn tin có thẩm quyền từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chia sẻ việc tính toán các mức lương tối thiểu - bình quân và tối đa không có gì phức tạp. Mấu chốt vấn đề nằm trong kế hoạch cải cách hệ thống tiền lương mà các đơn vị chức năng thuộc Bộ đang nghiên cứu là hệ số cao nhất nên tính theo chức danh hay theo mức độ phức tạp của công việc. Hiện nay, hệ số cao nhất 13 áp dụng với chức danh Tổng bí thư - Chủ tịch nước. Còn nếu căn cứ vào mức độ phức tạp của công việc thì hệ số cao nhất áp dụng với chuyên gia cao cấp.
"Tất cả các mức kể trên là đưa ra để bàn. Sau khi chốt phương án cuối cùng chúng tôi sẽ đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành, sau đó trình Chính phủ xem xét", nguồn tin này nói.
Trong báo cáo gửi Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, Chính phủ cũng đặt mục tiêu sẽ ưu tiên các khoản chi cho con người, trong đó có việc cải cách hệ thống tiền lương, đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội.