Ngày 15/10, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phối hợp với Sở GDCK Hà Nội tổ chức diễn đàn Quản trị DN với chủ đề “Xây dựng cơ chế thù lao hiệu quả” cho người đại diện phần vốn nhà nước tại các DN là công ty đại chúng lớn và công ty niêm yết của SCIC.
Theo ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư Quỹ Đầu tư Dragon Capital, cơ chế thù lao của lãnh đạo DN hiện nay thiếu tính cạnh tranh và khuyến khích sự đóng góp lâu dài. Không xem đãi ngộ là một công cụ nhắm đến thành tích, mục tiêu dài hạn của công ty. Cơ chế chủ yếu khuyến khích tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, không toàn tâm. Đãi ngộ chủ yếu là trả công cho đóng góp trong quá khứ. Đồng thời, các cơ chế cũng chưa đủ để thu hút nhân tài, thiếu nhân sự quản lý bậc trung giỏi và đội ngũ kế cận. Kết quả là doanh nghiệp thường mất chất xám, làm giảm cam kết lâu dài của cán bộ quản lý, doanh nghiệp khó phát triển, và gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ kế thừa.
Theo khảo sát của Dragon Capital, thu nhập hàng năm của HĐQT và Ban kiểm soát của 10 công ty niêm yết hàng đầu từ năm 2010 đến 2012 có sự chuyển biến, nhưng chưa nhiều. Năm 2010 là 0,9 tỷ đồng, năm 2011 là 1,25 tỷ đồng và năm 2012 là 1,9 tỷ đồng.
Chịu nhiều áp lực từ cổ đông, khách hàng, chủ nợ, nhân viên, nhà cung cấp, điều hành sản xuất - kinh doanh, tìm kiếm thị trường, phát triển công ty…, nhưng thu nhập của Ban điều hành chưa tương xứng.
Cụ thể, lương phổ biến gấp 4 - 5 lần lương bình quân của nhân viên. Dragon Capital khuyến nghị, trong tình hình hiện nay, lương của Giám đốc điều hành nên gấp 20 - 30 lần lương bình quân của nhân viên.