Luôn tự hào về vị thế, truyền thống Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh, cũng là 75 năm ngành ngoại giao Việt Nam, tôi càng thấy tự hào với thành tựu của đất nước, truyền thống của dân tộc và những bước tiến rất ấn tượng của ngoại giao Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN. Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN.

Giống như nhiều chị em phụ nữ công tác trong ngành ngoại giao, nếu được hỏi sau này sinh ra muốn được lựa chọn nghề nào, có làm ngoại giao nữa không, tôi có thể khẳng định, tôi luôn luôn muốn mình là một nhà ngoại giao.

Làm ngoại giao có yêu cầu cao nhưng niềm tự hào rất lớn. Lớn nhất là mình luôn thấy vị thế, truyền thống của Việt Nam rất vẻ vang. Làm ngoại giao thì thời đại nào cũng là yếu tố “con người” cả. Cái hòa hiếu, nhân ái của người Việt Nam là điều khiến tôi rất tự hào. Bên cạnh đó, bạn bè quốc tế tin vào bản lĩnh Việt Nam, bởi Việt Nam nói là sẽ làm.

Nữ cán bộ ngoại giao Việt Nam luôn gắn liền với hình ảnh chiếc áo dài. Chúng tôi luôn mặc áo dài trong những buổi lễ trang trọng. Đó là cảm giác tự hào, khi chiếc áo dài không chỉ làm cho mình đẹp, mà còn thể hiện cái đẹp của người Việt Nam, nét “mềm mại”, nhân văn của người Việt Nam.

Dù là ngành nghề nào thì cũng luôn có những thách thức, gian nan, nhưng những nữ cán bộ ngoại giao tự hào luôn khắc phục được thách thức của nghề để truyền tải thông điệp của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Là “phái yếu” nên chúng tôi có những kỹ năng mềm, sức mạnh mềm và có cách truyền tải đặc biệt. Có lẽ với chiếc áo dài, chưa cần nói người ta cũng yêu quý.

Tôi luôn tự hào và thấy may mắn, bởi làm nghề ngoại giao có cơ hội học hỏi thế giới và dù ở chức vụ nào thì luôn được phát biểu trong cương vị là đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Vì thế, nghề sẽ rèn cho mình phong thái, trí tuệ, cách ứng xử luôn thận trọng, đúng mực.

Nhìn lại chặng đường 75 năm qua của đất nước, chúng ta đã là ngọn cờ của rất nhiều kỷ nguyên, kỷ nguyên độc lập dân tộc, kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập và đang nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên số. Những cái đó là sự gắn kết Việt Nam với thế giới mà đối ngoại đóng vai trò to lớn. Với mỗi chặng đường, ngành ngoại giao luôn có đóng góp đột phá.

Sau Đổi mới, chúng ta đi vào hội nhập sâu rộng, Việt Nam thực hiện rất sớm những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Nếu nhìn vào sơ đồ liên kết các mạng lưới của châu Á - Thái Bình Dương rất rộng lớn từ CPTPP, APEC, RCEP cho đến EVFTA, chúng ta thấy rõ chỉ có 2 nước trong ASEAN ở trong “điểm rơi” của 5 liên kết lớn đó là Việt Nam và Singapore.

Trong quá khứ, việc chúng ta có gia nhập ASEAN không, có tham gia APEC, ASEM không là cả một chiến lược. Năm 1995 đánh dấu việc Việt Nam hội nhập một cách thực sự. Khi Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc năm 1977 với tư cách thành viên, nhưng với tư cách thực sự đóng góp tiếng nói, có quyền quyết định thì từ ASEAN mới là hội nhập thực sự.

Cùng quá trình hội nhập, từ năm 1995 đến nay, các bộ, ngành, địa phương tham gia dần khi hội nhập kinh tế sâu hơn, gắn kết hơn và người dân bắt đầu quen.

Vai trò của Bộ Ngoại giao trong hội nhập toàn diện, sâu rộng hiện nay là đề xuất chính sách và biện pháp, phối hợp các lực lượng đa binh chủng đối ngoại với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, điều chỉnh chính sách ngoại giao để phục vụ nhu cầu mới của đất nước về chuyển đổi số, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới toàn diện ở tầm mức cao hơn nhiều, rộng lớn hơn nhiều.

Đó là quá trình từ không có tên trên bản đồ cho đến được phong trào tiến bộ thế giới công nhận, giành được độc lập và hội nhập. Trong quá trình hội nhập, chúng ta tham gia mạnh mẽ và đang dẫn dắt, tham gia định hình luật chơi chung.

Đại sứ Nguyễn Thị Nguyệt Nga
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục