Luôn thấy lạc quan mỗi khi nói về Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước thời điểm đón Tết Nguyên đán lần thứ ba tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chia sẻ, ông ngưỡng mộ tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của người dân Việt Nam và luôn lạc quan về một tương lai tốt đẹp hơn. 
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Trong các cuộc phỏng vấn, ông luôn cho thấy những quan điểm lạc quan khi nhận định các vấn đề của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ cơ sở của tâm thế này?

Trước hết, tôi muốn lấy hình ảnh một chiếc ly được đổ một nửa nước để minh họa có liên quan đến câu hỏi của bạn. Có người nhìn nhận chiếc ly đầy một nửa, người khác thì thấy chiếc ly vơi một nửa. Tôi là kiểu người nhìn một nửa đầy. Không có đúng hay sai trong trường hợp này, chỉ là một cách nhìn nhận lạc quan thì sẽ cảm thấy dễ chịu hơn vì những suy nghĩ tích cực.

Thực tế, nhiều người cũng lạc quan trong suy nghĩ như tôi. Các cuộc khảo sát từ trước đại dịch Covid-19, trong thời kỳ đại dịch và trong năm 2022 cho thấy người dân Việt Nam rất lạc quan về một tương lai tốt đẹp hơn.

Bất chấp những lo ngại về kinh tế toàn cầu, lạm phát, đồng tiền mất giá và những khó khăn, thách thức khác, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định vững chắc, đủ sức chống chịu trước các thách thức toàn cầu so với nhiều nước trong khu vực.

Có rất nhiều lý do để lạc quan về Việt Nam. Nhìn lại quá khứ, Việt Nam có những trang lịch sử vượt qua những thách thức lớn, từ một nước rất nghèo, bị chiến tranh tàn phá, chỉ trong một thế hệ đã chuyển mình trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.

Hướng về phía trước, tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến ngang bằng với mức tăng trưởng cao trước đại dịch, bất chấp môi trường kinh tế toàn cầu đầy thách thức. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn mạnh mẽ, thậm chí tăng lên. Các nhà đầu tư FDI luôn nghĩ về dài hạn khi họ cân nhắc để đầu tư, điều này hẳn đã cho thấy sự tin tưởng mạnh mẽ vào Việt Nam.

Cuối cùng, điều tôi cảm thấy ấn tượng là giới trẻ Việt Nam luôn toát lên tinh thần lạc quan. Là chủ nhân tương lai của đất nước, tinh thần lạc quan của họ đã nói lên rất nhiều điều. Đây có lẽ là một trong những lý do chính khiến tôi luôn thấy lạc quan mỗi khi nói về Việt Nam.

Rất nhiều lần, Chính phủ đã chuyển tải thông điệp “không ai bị bỏ lại phía sau”. Dưới góc nhìn của mình, ông nhận định câu chuyện này thế nào? Có gì cần điều chỉnh để làm tốt hơn?

Đại dịch Covid-19 đã kéo lùi cuộc chiến chống nghèo khổ ở châu Á ít nhất là 2 năm trong tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Có thể nhận thấy, nhiều người dân trong khu vực thoát nghèo khó khăn hơn, trong bối cảnh thế giới chưa hết những tác động nặng nề của đại dịch thì đã phải đối mặt với chi phí sinh hoạt ngày càng cao và cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có hồi kết bởi căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Đại dịch và chiến tranh diễn ra ở một số khu vực làm tồi tệ hơn các loại hình nghèo khổ ngoài thu nhập, có thể kể đến như mất an ninh lương thực và tiếp cận không đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, chẳng hạn y tế và giáo dục.

Tôi được biết và từng nhiều lần được nghe trực tiếp thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà các nhà lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nhấn mạnh trong các cuộc đối thoại chính sách và các hội nghị cấp cao.

Làm việc với các đối tác Việt Nam ở các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, tôi thấy tinh thần hết sức nhân văn này không chỉ là một câu khẩu hiệu, mà được lồng ghép, triển khai trong nhiều chính sách an sinh xã hội, chương trình vì người nghèo, các cuộc vận động ủng hộ những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong bão, lũ…

Người dân Việt Nam rất lạc quan về một tương lai tốt đẹp hơn.
Người dân Việt Nam rất lạc quan về một tương lai tốt đẹp hơn.

Trong thời gian sống và làm việc ở Việt Nam, tôi rất ngưỡng mộ tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của người dân. Điều này giúp tôi lý giải được nguyên nhân tại sao đất nước nhỏ bé này lại có thể vững vàng trước những khó khăn do chiến tranh trước đây và thiên tai ngày nay.

Rất nhiều tổ chức và cá nhân đã có hành động chung tay đóng góp để hỗ trợ những người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn.

Ngay ở trong văn phòng của tôi, tổ chức công đoàn cũng thường xuyên kêu gọi ủng hộ và chia sẻ với cộng đồng như vậy. Thực tế, không ít cán bộ người Việt trong văn phòng thường xuyên làm những việc thiện nguyện một cách lặng lẽ, không ồn ào. Có người trích tiền lương hàng tháng để chăm lo cho các em bé mồ côi, giúp những trẻ em người dân tộc thiểu số có điều kiện đến trường… Những việc làm ấy thật sự rất có ý nghĩa và rất đáng được biểu dương, nhưng tôi biết, người làm những việc tốt đẹp này không bao giờ muốn như vậy.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo, phát triển vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, năm 2023 được dự báo vẫn sẽ là một năm có nhiều rủi ro, thách thức đối với thế giới và Việt Nam. Người nghèo và người dễ bị tổn thương vẫn luôn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch và các cú sốc kinh tế. Chính phủ cần tập trung hơn nữa vào việc củng cố sức chống chịu cho người dân và đảm bảo tính bao trùm trong các dự án phát triển; tăng cường các chính sách an sinh xã hội cho người lao động, nhất là nhóm người lao động ở khu vực không chính thức.

Ông từng chia sẻ, Tết là khoảng thời gian rất đặc biệt. Năm nay là năm thứ ba đón Tết cổ truyền tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ về khoảng thời gian đặc biệt này?

Tôi thích thời gian trước khi nghỉ lễ. Đấy có lẽ là thời gian bận rộn công việc gia đình nhất trong năm của người Việt. Mọi người bắt đầu chuẩn bị mua sắm và vỉa hè đối diện với nhà tôi trở thành nơi bày những cây cảnh nhiều màu sắc, nhiều nhất là cây quất để bán cho những người mua từ nơi khác đến. Phố xá tấp nập, đẹp hẳn lên với đèn trang trí nhiều màu rực rỡ và rất nhiều hoa đào.

Đối với tôi, đây dường như là một ngày lễ tôn vinh cả quá khứ và tương lai, bằng cách tỏ lòng thành kính với tổ tiên, đồng thời đón chờ năm mới sắp tới. Giữa không khí rộn ràng ngày Tết, điều gì có thể tốt hơn là các gia đình quây quần bên nhau, chuẩn bị và thưởng thức những bữa cơm cuối năm, rồi tiệc đầu xuân, với rất nhiều món ăn đặc trưng ngày Tết?

Năm đầu, tôi và vợ còn bỡ ngỡ khi được tham dự bữa cơm tất niên với gia đình một đồng nghiệp ở Hà Nội. Ngày Tết không thể thiếu bánh chưng và các món ăn truyền thống rất ngon như nem, canh măng… Tôi đã ăn rất nhiều. Bạn biết đấy, ngày thường tôi cũng rất thích những món ăn Việt Nam. Những năm sau, cả cơ quan tổ chức bữa ăn cuối năm và bữa ăn tập trung khi mọi người đi làm trở lại. Ai cũng thấy như vui vẻ hơn, cởi mở hơn.

Văn phòng ADB tại Việt Nam có theo phong tục bản địa như chọn người xông đất đầu năm lấy may hay không, thưa ông?

Hầu như chẳng có ai trong chúng tôi tin là có vận may, hoặc là sự may mắn đến từ người xông đất văn phòng. Tôi được biết, có một nhóm người thường đến văn phòng rất sớm, sớm hơn cả tôi. Đây là những cán bộ cần mẫn và có trách nhiệm. Nếu người nào đó tin vào việc xông đất thì những người này chắc chắn làm thỏa mãn niềm tin của họ, nhất là khi các cán bộ cần mẫn, có trách nhiệm đó cũng là những người vui vẻ, nhanh nhẹn và tốt tính.

Tôi nhớ, năm ngoái, cô trợ lý có nói tôi nên đến văn phòng sớm để xông đất, nhưng khi đến văn phòng thì tôi đã thấy mấy người đó đến trước rồi. Đợi mọi người đến đầy đủ, tôi đến chỗ làm việc của từng người bắt tay và nói “chúc mừng năm mới”. Sau đó, tôi đưa cho mỗi người tự rút một cái bao lì xì màu đỏ. Trong mỗi bao lì xì là một đồng tiền có mệnh giá khác nhau, nhưng khi nhận được, ai cũng cười reo lên vì đã nhận được đồng tiền may mắn, bất kể mệnh giá lớn hay nhỏ. Đối với cá nhân tôi, được làm việc ở một đất nước xinh đẹp, giàu bản sắc văn hóa và những con người thân thiện, ấm áp như Việt Nam đã là một sự may mắn lắm rồi.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục