Lúng túng tỷ lệ biểu quyết

(ĐTCK-online) Hệ thống pháp luật Việt Nam đã nhận được rất nhiều phàn nàn từ dân chúng về sự không đồng bộ, không đầy đủ và xung đột. Một lĩnh vực pháp luật tương đối mới là pháp luật chứng khoán cũng không nằm ngoài đặc điểm đáng buồn này. Chỉ riêng câu chuyện về tỷ lệ biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) cũng đã làm cho các doanh nghiệp và các luật sư lúng túng.
Lúng túng tỷ lệ biểu quyết

Tại Điều 104, Luật Doanh nghiệp quy định, các quyết định của ĐHCĐ được thông qua khi có "đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp. Đối với một số trường hợp như sửa đổi điều lệ, giải thể, tổ chức lại, quyết định về loại cổ phần… thì phải đạt ít nhất 75%". Để đảm bảo tính thống nhất của Luật, Quyết định 15/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ban hành điều lệ mẫu của các công ty niêm yết cũng yêu cầu các công ty niêm yết khi thông qua các nghị quyết của ĐHCĐ cũng phải đạt ít nhất các tỷ lệ 65% hoặc 75% như trên.

Tuy nhiên, Nghị quyết 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội, cũng như Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Việt Nam lại đã cam kết rằng: "Tỷ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ đa số 51%) để thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên, ĐHCĐ".

Cũng như pháp luật của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam thừa nhận ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế và khi có sự mâu thuẫn giữa các điều ước quốc tế và các văn bản pháp luật trong nước thì các điều ước quốc tế được mặc nhiên áp dụng, cụ thể tại Luật Doanh nghiệp có ghi: "Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế".

Điều rắc rối bắt đầu khi ban lãnh đạo của Ngân hàng A (chuẩn bị niêm yết) lo ngại sẽ không đạt được tỷ lệ biểu quyết như Luật Doanh nghiệp yêu cầu nên muốn áp dụng Nghị quyết 71/2006/QH11 của Quốc hội.

Chiếu theo quy định này, yêu cầu của ban lãnh đạo Ngân hàng A hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, điều lo lắng là, nếu ngân hàng này quy định tỷ lệ 51% như trên thì có khả năng bị UBCK coi là vi phạm Luật Doanh nghiệp hoặc khi Ngân hàng lên niêm yết và nghị quyết ĐHCĐ thường niên có tỷ lệ 60% số cổ phần có quyền biểu quyết thông qua thì sẽ bị coi là không hợp lệ. Thực tế, UBCK cũng đã có Công văn số 304/UBCKNN-QLPH ngày 26/02/2008 nhắc nhở các công ty chứng khoán tư vấn các công ty niêm yết phải sửa đổi điều lệ theo Quyết định 15/2007/QĐ-BTC ban hành điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết và các công ty đại chúng phải sửa đổi theo Luật Doanh nghiệp.

Thôi thì "nước xa không cứu được lửa gần", một giải pháp an toàn mà các đơn vị tư vấn lựa chọn là đề nghị Ngân hàng A áp dụng theo Công văn hướng dẫn số 304 nêu trên. Luật sư hiểu được phần nào thông lệ pháp luật này ở Việt Nam hiện nay, nhưng doanh nghiệp thì có thể nghĩ: "Lần sau, có khi mời tư vấn từ chính các quan chức xét duyệt hồ sơ thì hơn".

Chẳng lẽ, thực tiễn pháp lý Việt Nam trong thời kỳ đã gia nhập WTO vẫn xảy ra tình trạng như thế này?           

Vương Mại
Vương Mại

Tin cùng chuyên mục