Lúng túng...

(ĐTCK-online) Thời điểm hết hạn cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lại đã đi qua, nhưng những ý kiến xung quanh việc có hay không gia hạn cho hoạt động đăng ký lại này vẫn chưa thống nhất. Bên cạnh quan điểm thực hiện đúng luật, có nghĩa là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau ngày 1/7/2008 sẽ không được phép đăng ký lại, mà chỉ hoạt động theo đúng giấy phép đầu tư đã được cấp trước đó, những ý kiến về khả năng dỡ bỏ thời hạn hoặc rời lại thời hạn chót đang được đưa ra.
Sự phát triển và đa dạng của hoạt động kinh doanh đang thực sự là áp lực lên các cơ quan quản lý nhà nước.

Thực ra, xuất phát điểm của những quan điểm khác với quy định của luật này bắt nguồn từ thực tế nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong các diễn đàn luôn đặt ra yêu cầu gia hạn cho hoạt động đăng ký lại ngay từ khi thời hạn còn khá dài. Lý do được viện dẫn là những khó khăn trong thực hiện và khả năng họ sẽ không đáp ứng kịp thời hạn. Khi đó, cũng có nhiều ý kiến từ phía cơ quan quản lý nhà nước đồng tình với đề xuất này và cho rằng sẽ có thể xem xét gia hạn thêm.

Có vẻ như những lúng túng từ cơ quan quản lý nhà nước bắt nguồn từ chính sự không nhất quán về việc thực thi theo đúng hạn định. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, chính sự đồng tình về khả năng nới rộng thời hạn đã làm chậm đi tiến trình đáng ra có thể được đẩy nhanh hơn. Bởi rất có thể, thông tin về khả năng nới rộng thời gian đã khiến nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dừng lại công việc này để dành thời gian cho những phần việc cấp bách hơn.

Vấn đề tưởng như rất kỹ thuật hiện vấp phải những khó khăn không hề nhỏ. Hệ quả dễ thấy là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như cơ quan quản lý nhà nước đang trong trạng thái chờ đợi, cho dù theo luật thì thời hạn đã hết và các doanh nghiệp quyết định lựa chọn của mình hoặc giữ nguyên hoạt động như cũ hoặc chuyển sang hoạt động theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Cũng cần phải nói rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu như những đề xuất xử lý dứt điểm không được đưa ra sớm thì sẽ lại có thêm những tác động thực sự không tốt tới môi trường kinh doanh, cụ thể là môi trường chính sách của Việt Nam. Một tồn tại lâu nay của việc thực thi chính sách, pháp luật của Việt Nam là chậm, thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán sẽ lại có cơ hội bị phàn nàn và cho là nguyên nhân của những khó khăn không đáng có trong hoạt động của doanh nghiệp.

Tất nhiên, những đề xuất gia hạn hay dỡ bỏ thời hạn cho hoạt động đăng ký lại xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ đang vướng phải những khó khăn không dễ giải quyết và cần có thêm thời gian. Và đề xuất xem xét lại quy định về thời hạn là giải pháp hỗ trợ tối đa doanh nghiệp từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng trong tình trạng có nên hay không, vấn đề quản lý với các tập đoàn tư nhân đang được đặt ra. Trước đây, khi xuất hiện một số tập đoàn tư nhân, nhiều đề xuất về một văn bản quản lý mô hình này đã được đề cập. Tuy nhiên, khi đó, một số quan điểm cho rằng, tập đoàn không phải là một pháp nhân, nên các thành viên của tập đoàn sẽ hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và không cần có văn bản pháp quy riêng cho nó.

Tuy vậy, những phức tạp trong hoạt động của mô hình tập đoàn nhà nước hiện nay lại dấy lên lo ngại mới về mô hình tập đoàn của tư nhân, nhất là những nội dung như cơ chế tài chính, giao dịch nội bộ… Và đề xuất xây dựng cơ chế hoạt động nhằm kiểm soát những vấn đề này lại được xới xáo lên.

Có thể thấy, việc đảm bảo một môi trường kinh doanh ổn định không hề đơn giản như mong muốn và cam kết. Sự phát triển và đa dạng của các hoạt động kinh doanh đang thực sự là áp lực lên các cơ quan quản lý nhà nước, nhà hoạch định chính sách. Rất nhiều ý kiến cho rằng, những khó khăn hiện tại lớn và phức tạp hơn rất nhiều những cải thiện mà Việt Nam đã đạt được. Lời giải không chỉ là nỗ lực, mà thực sự là một cuộc cải cách mới về tư duy, về thể chế, về chính sách. Tất nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng không thể đứng ngoài nếu muốn nhanh chóng hưởng lợi.

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục