Lúng túng áp dụng chuẩn công bố thông tin mới

(ĐTCK) Một điểm mới tại Thông tư 155 là xuất hiện khái niệm “người nội bộ” của công ty đại chúng, thay cho khái niệm “cổ đông nội bộ” tại Thông tư 52. Điều này  đang khiến DN lúng túng trong áp dụng.

Rất nhiều câu hỏi được các DN niêm yết, CTCK nêu ra với cơ quan quản lý tại Hội nghị tập huấn các quy định mới hướng dẫn về công bố thông tin (CBTT), đăng ký giao dịch và niêm yết trên TTCK diễn ra mới đây, cho thấy DN vẫn lúng túng trong việc tuân thủ các quy định tại Thông tư 155/2015.

Công bố thông tin: Vẫn được làm theo thông tư 52

Trả lời câu hỏi của nhiều DN về việc Thông tư 155 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, vậy việc CBTT báo cáo tài chính quý IV/2015, công ty phải tuân thủ quy định tại thông tư này hay Thông tư 52, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, để tạo thuận lợi cho các DN, UBCK thống nhất vẫn cho phép DN áp dụng các quy định tại Thông tư 52. Tuy nhiên, nếu DN tự giác tuân thủ Thông tư 155 thì càng tốt.

Ông Sơn cho biết thêm, chia sẻ khó khăn với DN trong việc cần thêm thời gian nắm bắt và làm quen với các quy định mới tại Thông tư 155, khi công bố các thông tin như báo cáo tài chính, báo cáo quản trị, báo cáo thường niên cho năm 2015, nhà quản lý cho phép DN tiếp tục áp dụng các quy định tại Thông tư 52.

Nhiều DN, nhất là các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn, có nhiều công ty con, tỏ ra quan ngại về khả năng đáp ứng thời hạn CBTT báo cáo tài chính quý. Điều này xuất phát từ quy định thời hạn CBTT báo cáo tài chính quý của DN là 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý, trường hợp công ty phải lập báo cáo tài chính hợp nhất có thể xin gia hạn, nhưng thời hạn tối đa là 30 ngày, trong khi quy định cũ là 45 ngày. Câu hỏi được nhiều DN niêm yết đặt ra là họ có thể gửi một lần công văn lên UBCK để xin gia hạn CBTT báo cáo tài chính cho 4 quý trong một năm, thay vì phải xin gia hạn từng lần không?

Ông Sơn cho hay, UBCK sẽ xem xét đề xuất này của DN. Theo đó, trong văn bản xin gia hạn nộp báo cáo tài chính  quý, các DN phải giải trình chi tiết cấu trúc hoạt động của DN, các dữ liệu cụ thể dẫn đến DN khó đáp ứng thời hạn lập và CBTT báo cáo tài chính quý trong năm như quy định tại Thông tư 155.

Trên cơ sở đó, UBCK sẽ xem xét chấp thuận một lần cho cả 4 quý để tạo thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý không phải soát xét, nên trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý, DN phải công bố như quy định tại Thông tư 155 là hợp lý. 

Những ai là người nội bộ?

Một điểm mới tại Thông tư 155 là xuất hiện khái niệm “người nội bộ” của công ty đại chúng, thay cho khái niệm “cổ đông nội bộ” tại Thông tư 52. Điều này cũng đang khiến DN lúng túng trong áp dụng.

Đại diện CTCP Sông Đà 6 (SD6) thắc mắc, với khái niệm mới như trên, thành viên ban kiểm soát, thư ký công ty có phải là người nội bộ không? Trước câu hỏi trên, bà Tạ Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK khẳng định, đây chính là người nội bộ của Công ty, do đó, phải tuân thủ các nghĩa vụ về CBTT tại Thông tư 155.

Liên quan đến quan ngại Thông tư 155 bổ sung nhiều quy định mới, trong khi chưa có chế tài xử lý tương ứng, nên khó đảm bảo hiệu lực, ông Nguyễn Sơn cho biết, trước mắt, việc xử lý vi phạm về CBTT tiếp tục áp dụng các chế tài tại Nghị định 108/2013. UBCK đang lên phương án sửa đổi văn bản này để bổ sung các chế tài xử lý mới đảm bảo cập nhật các nội dung mới tại Thông tư 155.    

Liên quan đến thắc mắc về khái niệm người có liên quan, hiện có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, vậy DN phải hiểu và áp dụng theo luật nào, bà Bình giải thích, đúng là khái niệm này đang không đồng nhất giữa các luật. Tuy nhiên, theo nguyên tắc áp dụng luật, đối với lĩnh vực chứng khoán, khái niệm người có liên quan áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành là Luật Chứng khoán. 

CTCK cũng mơ hồ

Không chỉ các DN niêm yết, mà ngay cả các đơn vị tư vấn, hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực chứng khoán như CTCK cũng còn mơ hồ về các quy chuẩn CBTT mới.

Đại diện CTCK Kim Long thắc mắc, CTCK không phải là công ty đại chúng, vậy có phải tuân thủ nghĩa vụ CBTT như loại hình DN này? Bà Bình cho biết, là các tổ chức trung gian tài chính, CTCK, công ty quản lý quỹ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, có ảnh hưởng lớn đến thị trường, nên đòi hỏi phải đảm bảo tính minh bạch cao trong hoạt động tương tự như các DN niêm yết. Do đó, ngay cả khi CTCK không phải là công ty đại chúng, thì vẫn phải tuân thủ các quy định về CBTT tại Thông tư 155.

Trả lời câu hỏi của CTCK MB về Thông tư 155 không quy định cụ thể biểu mẫu CBTT áp dụng đối với các CTCK, vậy phải hiểu và áp dụng việc công bố các thông tin chi tiết thế nào cho đúng, bà Bình cho hay, như vừa phân tích, CTCK phải đảm bảo tính minh bạch cao trong hoạt động, nên tuy Thông tư 155 không quy định riêng các biểu mẫu CBTT áp dụng đối với CTCK, nhưng các công ty này phải tham chiếu các biểu mẫu của DN niêm yết để áp dụng.

Một câu hỏi nữa mà nhiều CTCK đặt ra là theo quy định tại Thông tư 155, trước khi bán giải chấp cổ phiếu ký quỹ hoặc bán chứng khoán cầm cố của khách hàng là người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ, CTCK phải CBTT trên trang thông tin điện tử của CTCK, vậy sau khi bán xong, CTCK có phải CBTT không? Theo đại diện UBCK, bán cổ phiếu xong, CTCK thông báo cho NĐT để họ CBTT, vì lúc này, NĐT không còn bị động như trước thời điểm CTCK bán giải chấp cổ phiếu nữa.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục