Lùm xùm tranh chấp tại Chung cư DockLands SaiGon

(ĐTCK) Hồ bơi bị rò điện, tường nhà bị thấm, cánh cửa rơi tự do từ trên cao xuống khu vui chơi của trẻ em, chủ đầu tư ngang nhiên chiếm chỗ để xe của cư dân…, là một loạt những vấn đề mà cư dân sống tại Chung cư DockLands SaiGon do Pau Jar Group làm chủ đầu tư phản ánh.

Dấu hỏi cho chất lượng

Vừa qua, Đường dây nóng Báo Đầu tư Bất động sản nhận được đơn khiếu nại của một số cư dân đang sinh sống tại Chung cư DockLands SaiGon (quận 7, TP.HCM), phản ánh tình trạng xuống cấp của chung cư và những bất cập trong quá trình quản lý của ban quản lý, cũng như chủ đầu tư.

Theo trình bày của cư dân DockLands, tường bao quanh khu vực vui chơi của trẻ em, cụ thể là sân bóng và hồ bơi có hiện tượng nứt, sụt lún, có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, tại hồ bơi của chung cư đã có người bị điện giật do rò rỉ điện. Điều này có nguy cơ gây tai nạn cho cư dân và đặc biệt là trẻ em là rất cao.

“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh những vấn đề trên với chủ đầu tư và ban quản lý để có biện pháp sửa chữa kịp thời, nhưng đến thời điểm này, mọi chuyện vẫn chưa được khắc phục”, một cư dân cho biết.

Để tìm hiểu về những phản ánh của cư dân, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã mục sở thị Chung cư Docklands Saigon tại địa chỉ 99 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú, quận 7 (TP.HCM). Theo quan sát thực tế của phóng viên, những phản ánh trên của cư dân là có cơ sở.

 Tường bao ở sân bóng bị nứt, có nguy cơ sụp đổ.
Dẫn chúng tôi lên thăm quan căn hộ của mình, anh N.V.D, chủ căn hộ L10.01, chỉ cho phóng viên thấy những mảng tường loang lổ vết ố màu do bị thấm nước. Những đồ treo tường cũng vì thế mà xuống cấp nhanh chóng.

“Những đồ nội thất hiện nay đều được tôi sắm mới, chứ đồ nội thất sẵn có của chủ đầu tư đều là hàng Đài Loan đã hỏng. Không chỉ gia đình tôi, gần như các gia đình ở đây đều dùng chưa tới 1 năm, đồ nội thất đã hư hết”, anh D. cho biết.

Trước đó, nhiều cư dân cũng phản ánh với chủ đầu tư về tình trạng thiết bị hư hỏng, nhưng không được hồi đáp. Khi cư dân bức xúc vì chờ đợi lâu, thì chủ đầu tư giải thích rằng, những thiết bị này đều được nhập khẩu từ Đài Loan, nên phải đợi hàng gửi về mới thay được.

Ngoài ra, theo phản ánh của cư dân, phí quản lý của chung cư này là 14.300 đồng/m2, nhưng các dịch vụ mà ban quản lý mang lại chưa hợp lý. Chưa hết, tầng hầm để xe của dự án dù trời nắng, nước vẫn chảy từ trên xuống tòng tòng. Còn khi trời mưa to một chút, thì hầm để xe biến thành sông, toàn bộ xe dưới hầm ngập nước.

Tâm sự với chúng tôi, không ít cư dân tỏ ra ngao ngán và thất vọng, bởi họ bỏ ra một số tiền lớn để mua căn hộ tại đây, nhưng từ lúc dọn vào ở, thì chỉ thấy những phiền toái. Một số gia đình muốn bán lại căn hộ hoặc cho thuê để dọn đi chỗ khác, nhưng khách đến xem nhà xong thì không thấy quay lại nữa.

 Bể bơi bị rò rỉ điện.
“Docklands SaiGon được quảng cáo là một chung cư cao cấp biệt lập duy nhất tại quận 7. Tại đây có một không gian sống yên tĩnh, chan hòa với tự nhiên, sẽ mang đến một cuộc sống hiện đại, sang trọng và thanh bình cho cư dân. Ấy vậy mà mới đưa vào sử dụng chưa được 2 năm, đã xuống cấp”, một số cư dân cho biết.

Theo tìm hiểu phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chung cư Docklands SaiGon do Pau Jar Group - một tập đoàn đa quốc gia, làm chủ đầu tư. Đại diện tại Việt Nam là Công ty cổ phần Bất động sản Kim Bảo (Công ty Kim Bảo), địa chỉ trụ sở chính tại 184 Lê Đại Hành, phường 15, quận 11 (TP.HCM).

Chủ đầu tư bị tố bội tín

Trong khi câu chuyện về chất lượng công trình chưa được giải quyết, thì chủ đầu tư bỗng nhiên rao bán chỗ để xe tại tầng hầm của chung cư và chặn toàn bộ xe của cư dân, khiến bức xúc của người dân càng lên cao.

Cụ thể, ngày 1/12/2016, chủ đầu tư cho xe và vật cản chắn ngang lối dẫn xuống hầm để xe và lối vào của chung cư, khiến cư dân vô cùng phẫn nộ. Mãi đến khi có sự can thiệp của chính quyền địa phương, thì chủ đầu tư và ban quản lý chung cư (Công ty Savista) mới để cho cư dân vào.

Theo phản ánh của cư dân, chủ đầu tư yêu cầu cư dân phải thuê hoặc mua chỗ để xe với giá rất cao, trong khi hợp đồng đã ký với cư dân lúc mua nhà có ghi rõ, phần diện tích chung bao gồm nơi để xe của cao ốc là 1.679 m2 là nơi để xe máy và xe đạp và 1.482m3 là nơi để xe ô tô. Chi phí trông giữ xe hơi là 300.000 đồng/tháng, xe máy là 50.000 đồng/tháng.

Phần sở hữu riêng của chủ đầu tư bao gồm khu vực bán lẻ tầng trệt, khu vực để xe ô tô tầng hầm B1 và B2 (không bao gồm khu vực để xe thuộc phần sở hữu chung trong cao ốc), có tổng diện tích lần lượt là 660 m2 và 825 m2, được bố trí theo thiết kế của chủ đầu tư.

Đã nhiều lần cư dân yêu cầu chủ đầu tư họp với cư dân để làm rõ sự việc, chỉ ra những diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư và diện tích thuộc quyền sở chung, nhưng phía Công ty Kim Bảo vẫn ngó lơ.

Phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã nhiều lần liên lạc với Công ty Kim Bảo để làm rõ vụ việc, nhưng đại diện phía chủ đầu tư luôn né tránh và báo bận họp.

Tuy nhiên, theo biên bản cuộc họp ngày 30/10/2017 giữa 3 bên là chủ đầu tư, cư dân và đại diện chính quyền địa phương, thì chủ đầu tư vẫn không chứng minh được diện tích nào là diện tích thuộc sở hữu chung của cư dân và diện tích nào thuộc về diện tích sở hữu riêng của chủ đầu tư.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch phường Tân Phú (quận 7) cho biết, việc đúng sai như thế nào chỉ có tòa án mới quyết định được. Trước mắt, phường đứng ra hòa giải giữa 2 bên và kết hợp với các đơn vị khác để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, tránh để xảy ra những tình huống đáng tiếc

“Tại cuộc họp vừa rồi, tôi đề nghị trong thời gian cư dân khởi kiện ra tòa, phía chủ đầu tư phải đảm bảo cho cư dân gửi xe vào bãi như hợp đồng đã ký trước đó cho đến khi có kết quả quả từ tòa án”, ông Thiện cho biết.

Đứng về góc độ pháp lý, luật sư Trần Vi Thoại, Giám đốc Công ty Luật TNHH IB Legal Việt Nam cho biết, Khoản 1, Điều 225 về “Sở hữu chung trong nhà chung cư” của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đó và không thể phân chia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc có sự thoả thuận của tất cả các chủ sở hữu”. Khoản 1, Điều 214 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định tương tự.

Như vậy, đối với phần diện tích sở hữu chung, chủ đầu tư và cư dân đã có xác lập thỏa thuận, nên việc chủ đầu tư ngăn không cho cư dân vào và bắt ký thêm hợp đồng thuê với giá cao là không có cơ sở và trái với thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký.

“Theo tôi, khi chủ đầu tư chưa xác định được phần diện tích thuộc sở hữu chung và riêng, không có cơ sở để ngăn chặn cư dân vào tầng hầm chung cư”, luật sư Thoại nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Thoại, nếu chủ đầu tư vẫn thực hiện việc ngăn chặn trên và yêu cầu tăng giá thuê chỗ để xe không có cơ sở, thì cư dân có quyền khởi kiện ra tòa yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt hành vi vi phạm và thực hiện đúng thỏa thuận hợp đồng, yêu cầu tòa án công nhận và xác định rõ phần diện tích thuộc sở hữu chung và sở hữu riêng của các bên để làm cơ sở thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục