Lùm xùm gói thầu thiết bị y tế tại Kiên Giang - Bài 2: Trượt thầu vì thiết bị không đạt

Vụ việc kiện cáo trong đấu thầu thiết bị y tế đang khiến Dự án Xây dựng Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, dự kiến đưa vào hoạt động trong quý I/2020, phải đối mặt với nguy cơ vỡ tiến độ. Trong lúc bên mời thầu và nhà thầu còn đang đôi co đúng - sai, thì nhiều bệnh nhân phải vượt hàng trăm cây số lên TP.HCM chữa bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang là dự án trọng điểm nên việc lựa chọn nhà thầu rất cẩn thận.

Bài 2: TRƯỢT THẦU VÌ THIẾT BỊ KHÔNG ĐẠT

Trong khi Liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Thương mại kỹ thuật Việt Nam - Công ty cổ phần Thiết bị hoá chất Thăng Long - Công ty cổ phần Thiết bị công nghệ y tế Việt liên tục gửi kiến nghị về việc chấm thầu kỹ thuật gói thầu thiết bị phòng mổ, hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, thì bên mời thầu rất kiên định mình đã làm đúng.

Bất đồng về định hướng thầu

Trong Văn bản kiến nghị số 88/CV/VNT/2019 (ngày 16/10/2019) Liên danh nhà thầu Công ty Thương mại kỹ thuật Việt Nam - Công ty Thiết bị hoá chất Thăng Long - Công ty Thiết bị công nghệ y tế Việt phân tích tiêu chí kỹ thuật của 8 loại thiết bị y tế như bàn mổ, khung phẫu thuật thần kinh, sọ não, khung giá cố định; bàn mổ chấn thương chỉnh hình điện - thủy lực, kèm bộ kéo; bàn mổ đa năng điện - thuỷ lực… trong hồ sơ mời thầu và cho rằng “các thông số mang tính chất chỉ định sản phẩm độc quyền”.

Ngoài ra, liên danh này còn liệt kê thêm nhiều nội dung thông số kỹ thuật về số học có tính chất định hướng tới từng loại sản phẩm thiết bị y tế cụ thể. Theo đó, trong hồ sơ mời thầu tại Mục 9-50: Các bộ dụng cụ trên thị trường chỉ duy nhất sản phẩm bộ dụng cụ của Hãng AESCULAP đáp ứng yêu cầu. Mục 54: Dao mổ điện cao tần lớn hơn hoặc bằng 300w là cấu hình chỉ định Model: Force FX (80C) của Hãng Covidien (Hoa Kỳ) đáp ứng yêu cầu. Tương tự, Mục 55: Dao mổ điện cao tần có chức năng hàn mạch định hướng tới Model: Valleylap-FT10/Covidien (Hoa Kỳ); Mục 52: Máy bơm tiêm PCA/TCI có thông số kỹ thuật 100% của Model: Perpusor Spce do Hãng B.Braun sản xuất; Mục 68: Máy tim phổi nhân tạo định hướng tới sản phẩm Hãng Sorin.

Bác quan điểm của liên danh thầu “tố” về nghi vấn định hướng thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang (bên mời thầu) cho rằng, cấu hình, thông số kỹ thuật thiết bị y tế của dự án được lập dựa trên khảo sát nhu cầu thực tế tại đơn vị sử dụng. Trước khi đưa cấu hình với các thông số kỹ thuật vào hồ sơ mời thầu đã được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định của Bộ Y tế và được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền.

“Khi lập hồ sơ mời thầu, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang không đặt ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng và tạo sự phân biệt đối xử… đúng quy định khoản C, mục 5, Điều 3, Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 16/6/2019 quy định về lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá”, ông Trần Ngọc Tính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang nói và tái khẳng định, qua rà soát các thiết bị mà liên danh nhà thầu “tố” có cấu hình chỉ định thầu thì trên thực tế, nhiều nhà sản xuất có sản phẩm đáp ứng yêu cầu.

Đơn cử, thiết bị bàn mổ, khung phẫu thuật thần kinh, sọ não, khung gá cố định sọ não có tới 3 hãng tại châu Âu đáp ứng yêu cầu. Thiết bị bàn mổ chấn thương chỉnh hình điện, thủy lực, kèm bộ kéo nén chi trên, chi dưới có 2 hãng tại châu Âu đáp ứng. Thiết bị bơm tiêm điện, bơm truyền dịch có các của Nhật Bản và Italia đáp ứng yêu cầu. Thiết bị máy cưa khoan xương, chạy pin có các hãng của Anh và Hoa Kỳ đáp ứng.

Ông Trần Ngọc Tính cho biết thêm, thực tế chứng minh không có chuyện chỉ định, định hướng, hạn chế thầu, bởi ngay trong hồ sơ mời thầu đã thể hiện điều này. Hơn nữa, mỗi hàng sản xuất cũng cấp giấp phép bán hàng cho nhiều nhà thầu. Giấy phép bán hàng được hãng sản xuất cấp đầy đủ cho các thiết bị, các nhà thầu. Đặc biệt, các nội dung đánh giá chấp nhận “tương đương” về thông số kỹ thuật đã được xem xét trong quá trình chấm thầu. Hồ sơ bị loại là do nhà thầu kê khai không rõ ràng, sau khi được bên mời thầu đề nghị làm rõ thì nhà thầu lại không thể giải trình đầy đủ như cam kết.

Phía đơn vị tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu là Công ty cổ phần ASIATECH Việt Nam cũng cùng quan điểm trên.

Cần phải nói rõ rằng, khoản C, mục 5, Điều 3, Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT quy định không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng…; trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ, thì có thể nêu nhãn hiệu, catalogue của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa, nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalogue, đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có), mà không được quy định tương đương về xuất xứ.

Qua các phân tích về hồ sơ mời thầu, chứng minh thực tế và viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang quả quyết: “Phản ánh của Liên danh nhà thầu Công ty Thương mại kỹ thuật Việt Nam - Công ty Thiết bị hoá chất Thăng Long - Công ty Thiết bị công nghệ y tế Việt về một số loại thiết bị có cấu hình chỉ định duy nhất là không có cơ sở, không đúng với thực tế”.

Trượt thầu do đâu?

Trong quá trình phát hành hồ sơ mời thầu, bên mời thầu đã ghi nhận các ý kiến làm rõ hồ sơ mời thầu, tiếp thu các kiến nghị điều chỉnh của nhà thầu. Từ thời điểm điều chỉnh hồ sơ mời thầu lần cuối đến thời điểm mở thầu không có nhà thầu nào kiến nghị thêm về cấu hình hồ sơ mời thầu. Điều này có thể hiểu, các ứng thầu đã đồng thuận với đề bài thầu. Động thái Liên danh nhà thầu Công ty Thương mại kỹ thuật Việt Nam - Công ty Thiết bị hoá chất Thăng Long - Công ty Thiết bị công nghệ y tế Việt sau khi trượt thầu lật lại kiến nghị về hồ sơ mời thầu là điều khó hiểu.

Phóng viên Báo Đầu tư đã tìm hiểu hồ sơ cuộc thầu nhằm làm rõ những nút thắt dẫn tới việc nhà thầu kiến nghị.

Báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật số 236/BC-NSG do đơn vị tư vấn đấu thầu là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Nam Sài Gòn phát hành ngày 15/8/2019 cho thấy, lý do trọng yếu nhất khiến Liên danh nhà thầu Công ty Thương mại kỹ thuật Việt Nam - Công ty Thiết bị hoá chất Thăng Long - Công ty Thiết bị công nghệ y tế Việt trượt thầu là do hàng loạt thiết bị y tế do liên danh này đề xuất trong hồ sơ dự thầu không đạt tiêu chí kỹ thuật mà hồ sơ mời thầu yêu cầu.

Cụ thể, liên danh nhà thầu này dự thầu 86 mặt hàng, trong đó có 75 mặt hàng có đặc tính, cấu hình, thông số kỹ thuật phù hợp, đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu, 11 mặt hàng có đặc tính, cấu hình, thông số kỹ thuật cần làm rõ trong quá trình chấm kỹ thuật. Sau khi làm rõ hồ sơ dự thầu, có 5 mặt hàng được đánh giá “đạt” và 6 mặt hàng còn lại bị chấm “không đạt”.

Trong số thiết bị kể trên, 3 trường hợp thiết bị tiêu biểu của liên danh nhà thầu bị đánh giá không đáp ứng, bao gồm: thiết bị bàn mổ, khung phẫu thuật thần kinh, sọ não, khung giá cố định; máy cưa khoan xương, chạy điện; máy gây mê kèm giúp thở người lớn - trẻ em.

Theo quy định, nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật khi 100% mặt hàng dự thầu do nhà thầu đề xuất được đánh giá “đạt”. Song, trong các văn bản kiến nghị, Liên danh nhà thầu Công ty Thương mại kỹ thuật Việt Nam - Công ty Thiết bị hoá chất Thăng Long - Công ty Thiết bị công nghệ y tế Việt bảo lưu quan điểm hàng hoà chào thầu của mình hoàn toàn đáp ứng yêu cầu tương đương, thậm chí có đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ cao hơn yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.

Liên danh này cũng cho rằng, một số thông số về kích thước có chỉ số không đạt giá trị tuyệt đối theo hồ sơ mời thầu không ảnh hưởng đến tính năng sử dụng và công nghệ của sản phẩm.

Do cố tình hiểu như trên, nên vụ việc kiện cáo quanh co, chưa có hồi chấm dứt.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thống Nhất, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang cho biết: “Để đảm bảo công tác đấu thầu Dự án Bệnh viện Đa khoa tuân thủ quy định pháp luật, UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Tổ giám sát. Trước khi phê duyệt phát hành hồ sơ, kết quả các bước lựa chọn nhà thầu đều được Tổ giám sát rà soát cẩn thận. Trong thẩm quyền của mình, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang kiểm tra, trả lời kiến nghị của nhà thầu theo đúng trình tự quy định đấu thầu. Chúng tôi khẳng định, tới thời điểm hiện tại chưa phát hiện sai sót trong công tác đấu thầu các gói thầu thiết bị y tế”.
(Còn tiếp)

Ngọc Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục