Khoảng 5% tổng giá trị thương mại điện tử đến từ BNPL
Đông Nam Á đang được đánh giá là khu vực có thị trường thanh toán kỹ thuật số phát triển nhanh nhất trên thế giới. Theo một báo cáo do IDC mới công bố, mức chi tiêu cho thương mại điện tử toàn khu vực Đông Nam Á sẽ tăng 162%, đạt 179,8 tỷ USD vào năm 2025, trong đó, thanh toán kỹ thuật số chiếm 91% tổng giao dịch.
Các chuyên gia đánh giá, xu hướng gia tăng mua sắm thông qua thương mại điện tử sẽ được thúc đẩy nhờ sự thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như sự xuất hiện của các phương thức thanh toán mới, đa dạng hơn. Vì vậy, số lượng người dùng thương mại điện tử được dự báo tăng từ 222 triệu người vào năm 2020 lên khoảng 411 triệu người vào năm 2025.
Các phương thức thanh toán thúc đẩy sự phát triển của thị trường thương mại điện tử được nhắc đến là ví di động và hình thức BNPL đang thay đổi hành vi giao dịch của người dùng ra khỏi các hình thức thanh toán truyền thống như trả tiền khi nhận hàng (COD).
“BNPL chiếm 1% tổng giá trị các hình thức thanh toán của thị trường thương mại điện tử trong năm 2020 và sẽ tăng lên 5% tính đến năm 2025”, báo cáo của IDC chỉ rõ.
Các nghiên cứu ước tính, tại Đông Nam Á, sẽ có 188,6 triệu người dùng mới sử dụng thương mại điện tử để mua sắm vào năm 2025 và Việt Nam là một trong 3 thị trường lớn nhất cho thanh toán thương mại điện tử với khoảng 29 tỷ USD.
Xu hướng M&A
BNPL không chỉ thu hút nhiều start-up, mà còn tạo lực hút với các tên tuổi lớn, thông qua các thương vụ M&A.
Tháng 11/2021, ShopBack - công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore cung cấp dịch vụ hoàn tiền cho khách hàng khi mua sắm đã mua lại Hoolah - một start-up trong mảng BNPL. Trước đó, thị trường đã chứng kiến hàng loạt thương vụ, như PayPal mua lại Paidy (Nhật Bản), Square mua lại Afterpay, Goldman Sachs mua lại GreenSky…
Tại Đông Nam Á, lĩnh vực BNPL cũng đang bùng nổ, dù chỉ 27% trong số 670 triệu người dân của khu vực này có tài khoản ngân hàng. Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực BNPL phát triển nhanh nhất do số lượng người dùng Internet ngày càng tăng và nhiều fintech đã vào cuộc để đáp ứng nhu cầu.
Theo Hoolah, trong thời gian đại dịch, dịch vụ BNPL của họ đã tăng hơn 1.500% số lượng giao dịch, tăng hơn 800% về doanh thu, tăng hơn 400% về lượng người bán và người tiêu dùng...
Công ty Tech Wire Asia phân tích, các công ty cung cấp dịch vụ BNPL thường xuyên chào mời khách hàng rằng: “Phí trả góp 0%”. Lời chào mời này thoạt nghe có vẻ rất hấp dẫn, nhưng nếu khách hàng không hoàn trả các khoản trả góp này đúng kỳ hạn, thì sẽ phải trả phí chậm. Các nhà cung cấp dịch vụ BNPL thường không được coi là tổ chức tài chính, nên không cần phải tuân thủ các luật và quy định tài chính mà các ngân hàng phải tuân theo. Như vậy, hoàn toàn có khả năng, nền tảng BNPL có thể tính phí “cắt cổ” cho việc trả nợ trễ hạn.
Thêm vào đó, hầu như tất cả nền tảng bán lẻ trực tuyến đều sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu để hiểu khách hàng của họ tốt hơn, từ đó đưa ra các đề xuất hàng hóa theo đúng nhu cầu của mỗi cá nhân, khiến người dùng tự nguyện mua sắm nhiều hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ BNPL cũng làm điều tương tự.
Đó là những lý do khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ BNPL ngày càng “ăn nên làm ra”, và BNPL sẽ tiếp tục trở thành sự lựa chọn của nhiều start-up.