Lực cầu mạnh, chỉ số men theo kênh tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng được hấp thụ bởi lực cầu mạnh đã giúp VN-Index tăng điểm cả 5 phiên trong tuần qua và kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục tiến lên ngưỡng cao hơn.
Lực cầu mạnh, chỉ số men theo kênh tăng

Chỉ số men theo kênh tăng

Trong tuần giao dịch từ 10 - 14/7/2023, tâm lý giao dịch trở nên hưng phấn và lạc quan, đưa VN-Index vượt qua vùng kháng cự 1.050 - 1.060 điểm. Cả 5 phiên trong tuần, chỉ số đều tăng điểm, dù có 2 phiên “nến thân hẹp” tại vùng kháng cự, thể hiện sự giằng co của cung và cầu.

Khối lượng giao dịch có sự cải thiện so với các phiên giằng co của tuần trước đó. Thanh khoản phiên cao nhất tuần thuộc về phiên giao dịch cuối tuần với chỉ số có “đuôi nến dài”, cho thấy áp lực bán gia tăng nhưng được bù đắp bởi lực cầu mạnh.

Nhìn chung, VN-Index duy trì xu hướng tăng, men theo biên trên của kênh Bollinger bands. Diễn biến tăng khỏe và chỉ số được củng cố khi kiểm nghiệm lại vùng 1.050 - 1.060 điểm trong phiên cuối tuần mang lại kỳ vọng về mức điểm cao hơn tại 1.200 điểm, nơi có khoảng trống giá (Gap) từ tháng 9/2022.

VN-Index có vùng hỗ trợ mới tại 1.150 - 1.160 điểm.

VN-Index có vùng hỗ trợ mới tại 1.150 - 1.160 điểm.

Nhóm bán lẻ, dịch vụ tài chính và hàng hóa công nghiệp có mức tăng giá tốt nhất khi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Mặt khác, nhóm dịch vụ tài chính và bất động sản đón nhận sự chú ý của dòng tiền, giúp khối lượng giao dịch tăng vọt.

Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, với tổng giá trị gần 700 tỷ đồng, trong khi đó, cá nhân trong nước và tự doanh là bên mua ròng lớn, đưa thị trường tiến lên.

Vĩ mô cải thiện nhẹ

GDP quý II/2023 tăng 4,14%, cao hơn mức tăng 3,28% của quý I, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trước (ngoại trừ mức tăng 0,34% của quý II/2020). Đóng góp lớn nhất vào mức tăng GDP là ngành dịch vụ và sự cải thiện của ngành công nghiệp, xây dựng, trong khi ngành nông lâm thủy sản duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đối diện với các khó khăn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, GDP tăng 3,72%, thấp hơn mức tăng trung bình của cùng kỳ giai đoạn 2012 - 2022, ngoại trừ năm 2020 - đỉnh dịch Covid-19.

Các hoạt động công nghiệp hồi phục nhẹ trong tháng 6/2023, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng âm 1,2%% so với cùng kỳ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 vẫn yếu khi chỉ nhích từ mức 45,3 của tháng 5 lên 46,2. Hoạt động xuất nhập khẩu thu hẹp trong quý II/2023, nhưng 6 tháng đầu năm ghi nhận thặng dư thương mại 12,3 tỷ USD. FDI giải ngân tăng 0,9% trong tháng 6, nhưng 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,27% so với tháng 5 và tăng 2% so với cùng kỳ; CPI trung bình 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, chủ yếu do chi phí dịch vụ giáo dục, giá nhà cửa và vật liệu xây dựng, dịch vụ ăn uống tăng. Hiện CPI vẫn trong tầm kiểm soát, dưới mức mục tiêu 4,5%/năm của Chính phủ.

Nới room tín dụng

Ngày 10/7/2023, Ngân hàng Nhà nước quyết định giao thêm hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng năm nay thêm 3%, từ mức 11% hồi đầu năm lên 14%. Với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế cuối năm 2022 là 11,924 triệu tỷ đồng, thì 3% room tín dụng được giao thêm tương ứng với quy mô gần 358.000 tỷ đồng.

Quyết định giao thêm room tín dụng sẽ có lợi cho các ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức được cấp ban đầu, hoặc có cơ sở khách hàng tốt với nhu cầu vay sản xuất - kinh doanh.

Ngoài ra, Mỹ vừa công bố CPI tháng 6/2023 chỉ tăng 3% và CPI lõi (thước đo lạm phát chính của Fed) đã lùi xuống mức 3,93%, thấp nhất kể từ tháng 1/2022. Lạm phát hạ nhiệt giúp củng cố khả năng Fed dừng hẳn việc thắt chặt tiền tệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể mạnh dạn hơn với chính sách nới lỏng tiền tệ, vì áp lực tỷ giá phần nào được giảm bớt. Với tình hình vĩ mô hiện tại, Kafi kỳ vọng, cơ quan quản lý ngành ngân hàng sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục