Lực cản bảo hiểm nhân thọ

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm Việt Nam những năm gần đây đã mở rộng rất nhanh. Với dân số hơn 86 triệu người và tỷ lệ sử dụng dịch vụ dưới 10%, tiềm năng phát triển của bảo hiểm nhân thọ là rất lớn.
Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng quyền lợi cho nhân viên bằng cách mua bảo hiểm nhân thọ. Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng quyền lợi cho nhân viên bằng cách mua bảo hiểm nhân thọ.

Tuy nhiên, để thị trường tiềm năng này thực sự bùng nổ là không dễ dàng, bởi ngoài việc thay đổi nhận thức của người dân khi tham gia các loại hình bảo hiểm, chế độ thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ hay khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm.

Trong cuộc gặp gỡ với các quan chức Chính phủ Việt Nam hồi cuối tháng 5, các nhà đầu tư nước ngoài đã kiến nghị Việt Nam nên miễn giảm thuế cho chi phí bảo hiểm cá nhân đến mức tối đa trong Luật Thuế thu nhập cá nhân để khuyến khích công dân tham gia bảo hiểm, sức khỏe và tai nạn cho bản thân.

Các nhà đầu tư thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Canada tại Việt Nam (CanCham) cũng từng khuyến cáo các cơ quan chức năng rằng, những tác động tức thời về miễn giảm thuế sẽ nâng cao nhận thức về trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý rủi ro tài chính của họ và là một trong những phương thức hiệu quả để “giáo dục” công chúng về bảo hiểm.

“Điều này chắc chắn sẽ giúp phát triển ngành bảo hiểm tại Việt Nam và giúp thúc đẩy tổng phí bảo hiểm trong thời gian tới, đạt mục tiêu 4% GDP mà Chính phủ đề ra cho năm 2010”, CanCham nhận định.

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009, trong các khoản thu nhập được miễn thuế có lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Ông Phạm Trường Khánh, Giám đốc Marketing Công ty Korea Life Việt Nam cho rằng, vì tiền để mua bảo hiểm đã được người dân đóng thuế nên việc miễn thuế nêu trên là hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, số lãi trên hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng không nhiều.

Vấn đề là đối với cá nhân tham gia bảo hiểm tại Việt Nam, phí đóng bảo hiểm của họ là thu nhập sau thuế, vì vậy, theo ông Khánh, không khuyến khích người dân mua bảo hiểm.

Ông Khánh cho biết, tại Mỹ, những người tự doanh như buôn bán nhỏ, người làm việc độc lập không có hợp đồng lao động và không có bảo hiểm xã hội có thể dùng thu nhập trước khi đóng thuế để mua bảo hiểm và toàn bộ thu nhập này được giãn thuế đến khi nào họ nhận quyền lợi bảo hiểm. Hàn Quốc cũng có những quy định tương tự về vấn đề này.

“Nếu người dân muốn mua thêm một loại hình bảo hiểm để nâng cao mức sống của mình thì việc dùng thu nhập sau thuế là hợp lý. Tuy nhiên, đối với những trường hợp không thuộc dạng được bảo hiểm xã hội và họ phải dùng bảo hiểm nhân thọ để tích lũy hưu trí thì những quy định về thuế hiện nay chưa thật sự công bằng”, ông Khánh nói.

Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn gia tăng quyền lợi cho nhân viên của mình bằng cách mua bảo hiểm nhân thọ cho họ, như bảo hiểm tai nạn cá nhân 24/24h, bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng lao động…, nhưng chi phí tham gia bảo hiểm không được hạch toán vào chi phí hợp lý, hợp lệ. Nếu doanh nghiệp muốn thực hiện việc này thì phải lấy tiền từ quỹ phúc lợi hoặc lấy từ vốn của chủ sở hữu. Điều này làm nản lòng doanh nghiệp.

Các chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho biết, để khuyến khích bảo hiểm cá nhân, nhiều quốc gia trên thế giới có quy định ưu đãi thuế để khuyến khích công dân của họ mua bảo hiểm. Điều này cũng giúp chuyển dịch gánh nặng tài chính từ Chính phủ (do mạng lưới bảo hiểm xã hội đảm trách) sang các công ty bảo hiểm tư nhân và bản thân công dân.

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục