Luật và lệ!

(ĐTCK) Xưa nay, việc chi hoa hồng cho các đại lý vẫn đóng vai trò khá quan trọng trong việc bán sản phẩm bảo hiểm. Thông tư 86/2009/TT-BTC, chủ yếu áp dụng với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ra đời trong hoàn cảnh cạnh tranh trên thị trường chưa bao giờ nóng như thế. Về lý thuyết, thông tư này sẽ làm lành mạnh hoá cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm. Vậy phải chăng điều này sẽ tốt cho tất cả các công ty bảo hiểm trên thị trường?
Trách nhiệm giám sát thị trường vẫn luôn thuộc về cơ quan quản lý.

Đã quen chi đậm

Ngay từ những văn bản quản lý thị trường đầu tiên, Bộ Tài chính đã quy định lượng hoa hồng chi cho đại lý là không quá 10%. Đó là luật.

Tuy nhiên, thực tế trên thị trường trong những năm qua cho thấy, ngoài chi 10% hoa hồng theo luật, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thường có thêm những loại phí hỗ trợ đại lý, thông thường lên đến 15 - 20% nữa. Như vậy, có thể nói một cách dễ hiểu là tổng phí hoa hồng đã được chi ra khoảng 25 - 30%. Đây là lệ.

Việc Thông tư 86 có hiệu lực từ ngày 12/6 vừa qua cấm các doanh nghiệp chi trả thêm các loại phí khác làm đội phí hoa hồng lên phải được nhìn nhận là một bước tiến. Vì đã là “luật” thì phải được tôn trọng.

Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có gây khó khăn cho các doanh nghiệp bảo hiểm hay không? Các đại lý vốn quen được hưởng các loại phí khác ngoài hoa hồng có chịu bán bảo hiểm nữa hay không?

Thực ra, ngay trong quá trình soạn thảo luật cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau. Một bên cho rằng, việc các doanh nghiệp trả thêm các phí khác làm tăng tổng chi phí hoa hồng lên cũng là hợp lý, vì phải đảm bảo cuộc sống cho các đại lý thì họ mới có thể làm tốt việc bán bảo hiểm. Cũng có ý kiến khác lại cho rằng, hoa hồng đại lý bảo hiểm đã được quy định trong luật thì phải được tôn trọng. Vế này có vẻ đúng hơn. Trong một thị trường mà các công ty luôn tìm cách lách luật thì cạnh tranh không thể là lành mạnh.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất là với văn bản này thì liệu vấn đề cạnh tranh thông qua mời chào hoa hồng cao với đại lý có được giải quyết không thì phải chờ thời gian. Vì các đại lý đã quen với việc nhận được hoa hồng và các loại phí khác lên tới 25 - 30% sẽ hơi khó chấp nhận bán bảo hiểm chỉ với mức hoa hồng 10%.

Ai được ai mất?

Lấy một ví dụ nhỏ từ thị trường bảo hiểm xe cơ giới. Xưa nay, tất cả những người trong ngành bảo hiểm đều hiểu rằng, các hãng bán ôtô xe máy đều ưu tiên bán các sản phẩm bảo hiểm có chi hoa hồng cao hơn. Cũng không thể trách được khi mà các hãng bán xe cũng là doanh nghiệp và phải tối đa hoá lợi nhuận.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, một số công ty bảo hiểm đã gặp khó khăn trong việc tiếp tục hợp tác với các garage ôtô. Lý do là mức hoa hồng 10% là thấp. Vậy phải chăng có những công ty bảo hiểm có khả năng trả mức phí hoa hồng cao hơn?

Trả lời ĐTCK về vấn đề này, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, Cục Quản lý - Giám sát Bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính sẽ giám sát rất chặt chẽ vấn đề này. Mặc dù không loại trừ khả năng có công ty bảo hiểm sẽ lách luật cho phép đại lý hưởng thêm các loại phí ngoài hoa hồng nhưng ông Lộc khẳng định rằng, “những công ty đó sẽ bị xử phạt thích đáng”.

Như vậy, trách nhiệm đảm bảo Thông tư 86 được thực hiện nghiêm túc vẫn đang nằm trong tay cơ quan quản lý, như bao năm qua.

Mục tiêu của cơ quan quản lý là rất rõ ràng. Nếu giảm bớt được tỷ lệ chi hoa hồng, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có điều kiện giảm thêm phí bảo hiểm, tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo hiểm một cách rộng rãi hơn. Điều này là đặc biệt có ý nghĩa với các loại bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm xe cơ giới.

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, tình hình cạnh tranh rất khốc liệt. Như ĐTCK đã từng phản ánh trước đây, 27 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã và đang làm tất cả để có thể giành giật khách hàng. Tỷ lệ chi trả hoa hồng là một tiêu chí quan trọng để có thể bán được bảo hiểm. Do vậy, những công ty bảo hiểm tuân thủ pháp luật về vấn đề này có lý do để lo ngại về một sự cạnh tranh không lành mạnh. Không dám lách luật, họ còn biết làm gì hơn là trông chờ cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt chẽ hơn. Chứ như những năm qua thì…       

Vũ Giang
Vũ Giang

Tin cùng chuyên mục