Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thanh niên
Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nhà nước đã làm cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhắc lại lời dạy của Bác Hồ khi giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Thanh niên 2020 tại buổi họp báo về lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Điểm mới cơ bản đầu tiên của Luật Thanh niên được ông Tuấn nhắc đến là luật lần này không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên.
Quy định này làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm đối với dân tộc, đất nước, xã hội, gia đình và đối với chính bản thân thanh niên như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”; “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nhà nước đã làm cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải thể nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn - (Ảnh Mỹ An).
Ngoài ra, luật dành một điều quy định tháng 3 hàng năm là Tháng thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên.
Luật cũng dành một điều quy định việc đối thoại với thanh niên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, phù hợp với thự tiễn đặt ra để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên…
Về quản lý nhà nước, Luật giao trách nhiệm cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thanh niên, quy định 8 nhiệm vụ của Bộ Nội vụ - cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên.
Luật Thanh niên 2020 có 7 chương, 41 Điều và đã sửa đổi toàn diện (tăng 1 chương, 5 điều so với luật năm 2005), có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Thêm tổ chức giám định công lập
Giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, một trong những điểm mới của luật này là thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự. Việc này để góp phần đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Cụ thể luật quy định tại khoản 5 Điều 12 về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành.
Luật cũng bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám định và được bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định.
Việc này, theo ông Tịnh là để bảo đảm điều kiện cho người giám định tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
Cụ thể, Điều 23 của luật bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người giám định, trong đó có quyền đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cảu bản thân hoặc người thân của hộ và quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa…
Luật cũng có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2021.