Công ty Luật BASICO do ông làm Chủ tịch HĐTV đã có 8 năm hoạt động. Nhìn lại ngày đầu thành lập, việc phát triển một công ty luật, cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp khác, chắc hẳn đòi hỏi nhiều nỗ lực?
Với một doanh nghiệp khởi nghiệp, bắt đầu từ số 0, không ai biết đến mình, không ai biết sản phẩm hàng hóa là gì, vốn liếng ra sao, tài sản thế nào, chỉ riêng việc tồn tại được đã rất khó. Tuy có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực chất hiệu quả chưa được bao.
Ví dụ, doanh nghiệp khởi nghiệp khó có thể đi vay vốn tại ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo. Nếu đi vay ngoài thì luật pháp lại tréo ngoe. Với quy định hiện hành, nếu vay ngân hàng, lãi suất có thể "vống lên" 50 - 70% mà vẫn hợp pháp, nhưng vay dân sự bên ngoài, lãi suất tối đa chỉ là 13,5%/năm (từ năm 2017 được tăng lên 20%/năm). Quy định về thuế và dân sự chỉ chấp nhận mức lãi suất đó, nếu lãi suất cao hơn sẽ không được phép hạch toán vào chi phí.
Tư vấn là sản phẩm vô hình, khách hàng không thể đánh giá tốt xấu thế nào cho đến khi sử dụng. Bởi vậy, quan điểm của tôi là có người gọi điện đến nhờ, đến hỏi, tôi đều trả lời. Cứ gọi là nghe, hỏi là trả lời, bất kể quen hay không quen. Nhiều khi đó chỉ là cuộc trao đổi bên lề, nhưng sau này nếu có việc, họ sẽ lại nhớ đến mình.
- Luật sư Trương Thanh Đức.
Tôi đã từng có ý kiến phản đối quy định cho phép ngân hàng có mặt bằng lãi suất riêng, bởi lãi suất ngân hàng phải bằng hoặc thấp hơn lãi suất vay dân sự, không thể quy định cho phép cao gấp đôi, gấp ba như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc có được ý tưởng, sản phẩm dịch vụ tốt, chưa chắc đã đảm bảo doanh nghiệp sẽ bán được hàng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, hàng hóa luôn sẵn có. Cũng bởi vậy mà 10 doanh nghiệp khởi nghiệp, nếu là lần đầu tiên, thì ít nhất 7 doanh nghiệp thất bại.
Việc khởi nghiệp của chúng tôi có nhiều khác biệt so với các startup khác. Trước khi thành lập Công ty Luật BASICO, tôi có nhiều năm làm việc trong khối pháp chế ngân hàng. Ngay từ lúc này, tôi đã có suy nghĩ cần làm gì đó cho riêng mình để thành công và khác biệt, nên có sự chuẩn bị khá kỹ.
Ban đầu, tôi nghĩ tới việc có thể cung cấp dịch vụ tư vấn doanh nghiệp, cụ thể là dịch vụ thành lập doanh nghiệp và từ cơ sở khách hàng này phát triển các dịch vụ tư vấn pháp lý khác. Nhưng sau khi xem xét thực tế tại các công ty làm dịch vụ thành lập doanh nghiệp, chúng tôi đã từ bỏ ý định này và xác định tư vấn chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư – chứng khoán - ngân hàng.
Thực tế, vào buổi ban đầu khởi nghiệp, chúng tôi phải chấp nhận nhiều điều để có việc, nhưng đến lúc này, chúng tôi đã có thể lựa chọn công việc sao cho phù hợp với mục tiêu cốt lõi.
Việc điều hành công ty luật có nhiều đặc thù khác so với doanh nghiệp khác hay không?
Đặc thù nhất là chúng tôi hiểu quá rõ pháp luật và muốn thực hiện đúng pháp luật, nhưng nhiều khi rất khó để có thể làm đúng, đủ. Với các doanh nghiệp khác, có thể xảy ra chuyện không biết nên vi phạm quy định, nhưng với công ty luật, chúng tôi không thể làm vậy, bởi đây là uy tín.
Chúng tôi tư vấn cho khách hàng làm sao để thực hiện đúng luật thì không thể vi phạm luật. Dù vậy, có nhiều trường hợp từng khiến tôi phải băn khoăn, không biết làm sao cho đúng.
Do luật là lĩnh vực đặc thù, chúng tôi có nhiều báo cáo định kỳ gửi tới cơ quan chức năng. Nhưng theo tôi, nhiều báo cáo mang tính vô thưởng vô phạt, gây mất thời gian, dẫn tới doanh nghiệp phải đối phó, hoặc nội dung nhiều năm không có gì thay đổi.
Nếu cứ tiếp tục duy trì cách vận hành này ở nhiều ngành, với quy mô cả nước thì không hiệu quả và đương nhiên sẽ tạo ra ra những con số ảo.
Ông có nhắc đến doanh nghiệp khởi nghiệp khó khăn khi khách hàng không biết tới sản phẩm, dịch vụ của mình. Vậy đối với công ty luật, hoạt động quảng bá sẽ ra sao? Dường như các công ty luật ít khi tuyên truyền, quảng bá?
Ở nhiều nước, lĩnh vực luật bị cấm quảng cáo, nhưng lĩnh vực tư vấn luật thì khác. Với tôi, việc đóng góp ý kiến thực sự có giá trị cho cộng đồng để xây dựng chính sách, pháp luật tại các diễn đàn hội thảo, tọa đàm báo chí là vô cùng quan trọng và có tác dụng lớn nhất.
Với chúng tôi, có đến 99% khách hàng tự tìm đến. Chẳng hạn gần đây, một hộ gia đình đọc báo thấy ý kiến của tôi đã gọi điện tới hỏi về một trường hợp vướng mắc tranh chấp. Thực tế, tôi theo nguyên lý của nước ngoài, đó là khách hàng sẽ tự tìm đến luật sư.
Với luật sư Đức, việc đóng góp ý kiến có giá trị cho cộng đồng để xây dựng chính sách, pháp luật tại các diễn đàn hội thảo, tọa đàm báo chí là quan trọng và thiết thực
Thẳng thắn mà nói rằng, sự phát triển của Công ty hơi chậm. Đáng lẽ chúng tôi có thể tăng trưởng nhanh hơn, nhưng bù lại BASICO tăng trưởng rất chắc chắn, khách hàng đã đến là gắn bó lâu dài.
Gần đây, một khách hàng từng nằm trong Top 100 doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng phá sản, dù họ còn nợ phí tư vấn nhưng khi gọi điện hỏi, tôi vẫn tư vấn rõ ràng. Đây là cách để khách hàng gắn bó chặt chẽ hơn nữa với Công ty.
Các luật sư, người vẫn thường hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các trường hợp nợ nần, tranh chấp vẫn bị khách hàng nợ phí sao, thưa ông?
Năm ngoái, tôi có nhận tư vấn về thuế cho một nhóm doanh nghiệp, ban đầu họ cam kết về phí rất chắc chắn. Sau khi được tư vấn, kết quả vụ việc là cơ quan thuế phải rút lại quan điểm, nhưng nhóm doanh nghiệp chỉ trả 30% số tiền phí đã cam kết, số còn lại… nợ vô thời hạn.
Chúng tôi chỉ gửi công văn yêu cầu, họ chây ỳ không trả thì đành tẩy chay, bởi giới luật sư, tuy thạo việc kiện tụng, nhưng không ai muốn khởi kiện khách hàng.
Cũng bởi vậy, thông lệ của ngành luật là thu tiền trước, có thể là tạm ứng hay thanh toán trước, thậm chí nhiều luật sư yêu cầu thanh toán 100% đối với các vụ việc tranh tụng. Nhưng với tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp thì phí tư vấn được thanh toán theo tháng. Bởi vậy, trường hợp nợ phí là có. Nhiều khi không thể vì khách hàng chậm thanh toán mà chúng tôi dừng hoạt động tư vấn lại ngay.
Có thể nói thương hiệu BASICO trong pháp lý ngân hàng đã được khẳng định khi rất nhiều vụ việc nóng bỏng, quy mô lớn của lĩnh vực ngân hàng, đương sự đều nhờ tới sự tư vấn của Công ty. Thời gian tới liệu Công ty có định mở rộng sang lĩnh vực khác?
Lĩnh vực cốt lõi của Công ty là ngân hàng, nhưng khi phát triển đến một quy mô nhất định thì lĩnh vực này sẽ trở nên chật hẹp. Có thể thời gian tới, chúng tôi sẽ có thêm định hướng cốt lõi khác.
Với lĩnh vực ngân hàng, số lượng ngân hàng không nhiều, chưa kể chúng tôi còn bị hạn chế về số lượng khách hàng. Chẳng hạn, khi đã có hợp tác với một ngân hàng, chúng tôi không thể nhận bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng khác có tranh chấp với ngân hàng đó.
Trong khi ngân hàng thì có nhiều chi nhánh trên toàn quốc và không phải vụ việc nào các chi nhánh cũng mời chúng tôi. Vậy nên, Công ty sẽ bị mất lượng lớn khách hàng tiềm năng. Trên thực tế, đã có vụ việc cả khách hàng và ngân hàng đều đến nhờ chúng tôi tư vấn.
Đây là vấn đề nguyên tắc đạo đức hành nghề luật sư, chúng tôi phải đảm bảo là không có xung đột lợi ích giữa các khách hàng.
Vậy theo ông, để thành công trong nghề luật sư, điều gì là quan trọng?
Mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau. Rất khó để nói rằng các bạn sinh viên mới ra trường phải làm thế này, thế kia thì sẽ thành công. Nhưng với tôi, tôi rất thích đọc. Hầu như tôi không có sở thích gì khác ngoài đọc. Thời sinh viên cũng vậy, tôi đọc tất cả những gì đến tay, từ hay đến dở. Có đọc mới biết hay ở đâu, dở ở đâu và từ đó có sự chắt lọc, tổng hợp, phân tích. Cùng với thời gian, kiến thức sẽ tự tích lũy.
Khi mới vào nghề, mỗi khi đề cập đến vấn đề gì đó, tôi phải tra cứu xem quy định này ở đâu, ra sao. Bây giờ, có thể không trích dẫn chính xác điều luật nhưng tôi vẫn trả lời được ngay vấn đề đó như thế nào, nguyên tắc là gì. Có nhiều người gọi điện hỏi tôi. Cứ hỏi là tôi trả lời, dù quen hay không. Đó cũng là niềm vui của nghề!