Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cũng như nhiều chuyên gia khác đã nhận định như vậy tại Hội nghị triển khai Luật Phòng chống tác hại của rượu bia ngày 16/10.
Bộ trưởng chia sẻ, Bộ Y tế đã mất 7 năm chuẩn bị để xây dựng luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Luật đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 6.
“Đây cũng là một trong những luật khó thực hiện vì có tính xung đột lợi ích giữa nhà làm luật và các đối tác khác. Những người làm công tác chăm sóc sức khỏe đã rất vất vả, căng thẳng vì xung đột khi xây dựng luật", Bộ trưởng Tiến nói.
Theo Bộ trưởng, không phải ai cũng nhận thức được tác hại của rượu bia với sức khỏe. Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan nhiều đến sử dụng quá mức rượu bia. Ngoài ra, tác hại của rượu bia còn là gây các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch...
"Vấn đề là làm sao để người dân tin uống rượu bia hại sức khỏe, trong khi nhiều người vẫn cho rằng uống rượu bia được xem là văn hóa", bà Tiến nói.
Theo Bộ trưởng Tiến, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một đạo luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân. Vì vậy để luật này đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai hết sức quan trọng.
Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cũng nhấn mạnh đây là dự án luật rất khó trong việc xây dựng, triển khai còn khó hơn rất nhiều do văn hóa uống rượu của người Việt. Vấn đề được ưu tiên để giảm tác hại của rượu bia là giáo dục và truyền thông. Mục đích là giảm tính sẵn có của rượu bia để phòng ngừa trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, phụ nữ mang thai tiếp cận với rượu bia.
Bà Trang cho biết thêm điểm tiến bộ của Luật phòng, chống tác hại của rượu bia là quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trong khi đó, ở một số quốc gia khác ở châu Âu, có nơi vẫn có quy định cho ngưỡng dao động 0,2 đến 0,5 mg/lít khí thở đối với người điều khiển phương tiện giao thông.
Về giảm tính sẵn có của rượu bia, hiện nay, Luật đang đưa ra quy định một số điểm không được bán rượu, bia tại cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở vui chơi, giải trí, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội, nơi làm việc của các cơ quan, các địa điểm công cộng…
Hiện nay Chính phủ đang đề xuất sẽ có thêm khoảng hai điểm nữa sẽ bị cấm bán rượu bia là rạp chiếu phim và công viên.
“Hiện đã có 123 nước, vùng lãnh thổ đã cấm bán rượu bia tại công viên và có hơn 100 nước cấm bán rượu bia tại các rạp chiếu phim. Khi lấy ý kiến bộ, ngành về điểm này, chúng tôi đều nhận được sự nhất trí cao với đề xuất”, bà Trang nói.
Tham dự hội thảo, Đại diện WHO tại Việt Nam, ông Kidong Park khẳng định, WHO cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam nói chung và Bộ Y tế nói riêng trong việc triển khai và thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo WHO, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực về việc triển khai Chính sách phòng chống tác hại của rượu bia. Thái Lan đã ban hành luật này từ 2008. Họ kiểm soát chặt quảng cáo, tăng giá bán rượu bia và hạn chế sự sẵn có của rượu bia như 20 tuổi mới được phép mua, thời gian bán từ 11-14h và 17-24h. Malaysia cấm toàn bộ quảng cáo về rượu bia. Hàn Quốc cấm quảng cáo với toàn bộ đồ uống có cồn trên 17%. Pháp cưỡng chế và phạt nặng quảng cáo vi phạm.
Để triển khai luật thành công, cần có sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, đặt sức khỏe lên hàng đầu. Phổ biến cho người dân về nội dung luật; thực thi nghiêm khắc các quy định của luật; có sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc giám sát, thực thi luật.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Về mặt tác hại, uống rượu bia gây ra các hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại với cả người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội.
Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu bia.... Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe (mắc bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia…) hay các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu bia ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.
Đặc biệt, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm. Tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại - tức là uống từ 6 đơn vị rượu trở lên trong một lần uống lên tới 44%.