Luật “lỏng lẻo”, bán hàng đa cấp dễ biến tướng

(ĐTCK) Thời gian qua, những biến tướng của hoạt động bán hàng đa cấp qua mạng như vụ việc tại MB24 đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Việc tạo hành lang pháp lý để nắn hoạt động này đi vào khuôn khổ là rất bức thiết.
Luật “lỏng lẻo”, bán hàng đa cấp dễ biến tướng

Luật “lỏng lẻo”, bán hàng đa cấp dễ biến tướng ảnh 1

Luật không quy định chặt, những vụ việc như tại MB24 có thể sẽ còn tái diễn

 

Tháng 6/2009, cựu Chủ tịch HĐQT sàn chứng khoán NASDAQ bị buộc tội kinh doanh đầu tư gian lận, vụ việc được coi là lớn nhất trong lịch sử phố Wall từ trước đến nay. Sự việc này là điển hình của hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng theo mô hình kim tự tháp tại thị trường Mỹ. 36 tỷ USD đã được đầu tư vào phi vụ lừa đảo; trong đó chỉ một nửa được trả lại cho các nhà đầu tư, còn lại 18 tỷ USD bị mất trắng.

Tuy nhiên, về bản chất, hoạt động bán hàng đa cấp không xấu. Đó là một mô hình kinh doanh tiên tiến trên thế giới, đã xuất hiện trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ là một trong những cái nôi sản sinh ra mô hình này. Tuy nhiên, sự biến tướng theo kiểu bán hàng hình tháp hiện cũng là vấn đề nan giải của nền kinh tế Mỹ.

Theo ông Scott Balfour, Phó chủ tịch pháp chế Tập đoàn Amway, yếu tố mấu chốt của mô hình kinh doanh kim tự tháp này là chi phí khởi đầu cao và đòi hỏi đầu tư lớn, liên tục; không có sản phẩm chất lượng; tưởng thưởng hoàn toàn dựa trên việc lôi kéo thêm nhiều người tham gia vào hệ thống.

Tại Việt Nam, từ khi được công nhận là mô hình kinh doanh hợp pháp, trong khoảng 10 năm qua, hoạt động bán hàng đa cấp đã phát triển khá nhanh. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, tính đến tháng 7/2012, đã có 76 DN đăng ký kinh doanh theo mô hình bán hàng đa cấp. Trong đó, 23 DN tạm dừng/chấm dứt hoạt động; 2 DN bị rút giấy phép hoạt động. Từ năm 2007 đến 2012, các cơ quan chức năng cũng đã xử lý 20 DN có vi phạm về bán hàng đa cấp và đang điều tra 2 DN trong lĩnh vực này.

Trao đổi tại “Hội thảo công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp” do Sở Công thương TP. HCM tổ chức sáng 16/8, ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho biết, khung pháp lý cơ bản cho mô hình bán hàng này dù đã ban hành chậm hơn so với thực tế, nhưng vẫn còn những điểm chưa phù hợp. Nhận thức về mô hình này ở nhiều địa phương đến nay vẫn còn lúng túng. Trong khi đó, một số DN đã nhanh chân biến tướng theo mô hình nhị phân, nhà đầu tư muốn nhận hoa hồng cao thì phải tự mua hàng hoặc dụ dỗ người khác mua hàng, hay làm đại lý để có doanh thu cao và các DN này thường kinh doanh theo kiểu đánh nhanh, rút gọn. Thời gian gần đây, còn có hình thức lợi dụng kinh doanh mạng để mua bán hàng ảo…

Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, hiện tại chưa có quy định quản lý đối với loại hình kinh doanh dịch vụ, sử dụng trang thương mại điện tử để kinh doanh và trả hoa hồng theo phương thức đa cấp, nên hoạt động của các DN chưa đi vào quy củ, gây ra nhiều bức xúc cho cộng đồng.

Theo đại diện Sở Công thương Đồng Nai, Điều 20 Nghị định 110/2005/NĐ-CP quy định, DN bán hàng đa cấp chỉ có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng/lần với sở công thương - nơi DN đăng ký kinh doanh, mà không quy định phải báo cáo với sở công thương - nơi DN thông báo mở rộng mạng lưới hoạt động. Vì vậy, tuy các DN tổ chức bán hàng tại địa phương, nhưng Sở không có thông tin về các hoạt động của DN để nhắc nhở, chấn chỉnh… Hơn nữa, việc không yêu cầu DN phải có địa điểm giao dịch cụ thể khi mở rộng thị trường khiến Sở Công thương địa phương không thể kiểm soát được hoạt động cụ thể của DN.

“Chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi theo dõi việc tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm bán hàng đa cấp của các DN”, đại diện Sở Công thương Đồng Nai nói.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Sở Công thương Đà Nẵng đề nghị, cần bổ sung quy định phối hợp giữa sở công thương địa phương nơi có DN hoạt động với sở công thương nơi DN đặt trụ sở chính. Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo khách hàng cũng cần phải có quy định nghiêm ngặt hơn, vì các hoạt động này do DN tổ chức thường tụ tập đông người, gây phức tạp về an ninh trật tự… Ngoài ra, cũng cần quy định, DN bán hàng đa cấp phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng/lần cho sở công thương các địa phương nơi DN có hoạt động…

Ông Phan Đức Quế, Ban điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho rằng, chế tài xử phạt DN không đăng ký hoạt động kinh doanh trong khoảng 20 - 30 triệu đồng còn quá nhẹ nhàng. Việc ký quỹ 1 tỷ đồng của các DN bán hàng theo mô hình này cũng quá ít, không đủ bù thiệt hại cho các nhà phân phối nếu công ty “biến mất”. Đó là còn chưa nói đến việc thủ tục lấy tiền ra để giải quyết hậu quả cũng không hề dễ dàng.

“Sự việc của Công ty Agel (tập đoàn kinh doanh đa cấp của Mỹ bỏ chạy khỏi thị trường Việt Nam , kéo theo nhiều thiệt hại của người tham gia) đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để, các nhà đầu tư vẫn chịu thiệt thòi lớn”, ông Quế nói.           

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục