
Nợ xấu trong xu hướng tăng
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến tháng 1/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ở mức 4,3%, tập trung tại một số ngân hàng yếu kém và bị kiểm soát đặc biệt.
Còn theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), tại thời điểm cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng, bao gồm cả nợ tiềm ẩn rủi ro, vào khoảng 5,46%, tương đương 1,03 triệu tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tiếp tục gia tăng, với tổng quy mô tăng thêm khoảng 34.000 tỷ đồng.
Tính đến 31/3/2025, tại 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025, tổng dư nợ cho vay đạt hơn 12,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với đầu năm. Đồng thời, nợ xấu đến cuối quý I cũng tăng. Theo đó, tổng nợ xấu tính đến cuối quý I của 28 ngân hàng ở mức 266.403 tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm.
Xung quanh vấn đề tín dụng và nợ xấu của ngành ngân hàng, ông Đỗ Thanh Tùng, Phó giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng niêm yết đạt 3,76% trong 3 tháng đầu năm, ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực của nhu cầu vốn so với cùng kỳ năm 2024 (1,42%). Với kết quả này, ngành ngân hàng hoàn thành khoảng 25% mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm (ở mức 16%). Tăng trưởng huy động của các ngân hàng niêm yết tính tới hết quý I/2025 đạt 3,3%; trong đó, tiền gửi từ khách hàng tăng 2,4%, huy động từ giấy tờ có giá tăng trưởng 11%. Tăng trưởng huy động tiếp tục thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng nhưng khoảng cách đã thu hẹp so với năm 2024.
Theo ông Tùng, triển vọng tín dụng tăng nhanh hơn về cuối năm sẽ tiếp tục tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất huy động và chi phí vốn của các ngân hàng trong phần còn lại của năm 2025.
“NIM toàn ngành giảm 30 điểm cơ bản so với quý trước, xuống 3,05% khi chịu sức ép từ lợi suất tài sản giảm 25 điểm cơ bản so với quý trước và chi phí vốn lại tăng 5 điểm cơ bản so với quý trước. Diễn biến này cho thấy sự cạnh tranh lãi suất cho vay trên thị trường vẫn khá khốc liệt, thúc đẩy bởi việc triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất theo định hướng giảm lãi suất của Chính phủ, bên cạnh yếu tố về cấu trúc kỳ hạn của các khoản cho vay mới và thoái lãi dự thu do nợ xấu tăng, trong khi lại phải cạnh tranh trong cả vấn đề huy động”, ông Tùng nhấn mạnh.
Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đang là thách thức của ngành ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021 - 2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để nền kinh tế tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Nguyên nhân nợ xấu gia tăng, được Ngân hàng Nhà nước nhận định chủ yếu do: Thứ nhất, nền kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, chịu tác động khó lường của tình hình kinh tế thế giới và diễn biến phức tạp của thiên tai; thứ hai, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản phục hồi chậm; thứ ba, thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng, trong khi một số nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu chưa được luật hóa đã ảnh hưởng đến việc xử lý, thu hồi nợ của một số tổ chức tín dụng và tổ chức mua bán, xử lý nợ; thứ tư, năng lực quản trị của một số tổ chức tín dụng còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro.
Cần luật hóa Nghị quyết 42
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại Nghị quyết số 42/2017/QH14, Quốc hội đã giao Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội về kết quả xử lý nợ xấu hàng năm, báo cáo tổng kết thực hiện nghị quyết này tại kỳ họp đầu năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Tại Thông báo số 3844/TB-TTKQH ngày 17/8/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã đạt những kết quả rất tích cực. Theo đó, “tỷ lệ nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện, chứng tỏ sự đúng đắn, hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết....”. Đồng thời, tại Nghị quyết số 63/2022/QH15, Quốc hội cũng đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.
“Trên thực tế, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14, trừ ba nội dung về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm và hoàn trả vật chứng của vụ án hình sự. Tuy nhiên, sau khi Luật có hiệu lực thi hành, tại các cuộc họp Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp, ngân hàng, xử lý nợ xấu vẫn là những vướng mắc được phản ánh, theo đó ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất, cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người dân”, bà Hồng chia sẻ.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, mặc dù chính sách thuế đối ứng của Mỹ được tạm hoãn trong vòng 90 ngày để tiến hành đàm phán thương mại nhưng biến động thuế quan đã ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, rõ nét nhất là mức sụt giảm mạnh về đơn hàng mới khiến chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam rơi xuống mức đáy 2 năm. Điều này có thể kéo theo hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu suy giảm trong những tháng tới.
Bên cạnh đó, theo bà Hiền, rủi ro tỷ giá cũng là vấn đề đáng lưu tâm khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn đối với việc giảm lãi suất do lo ngại bất ổn thuế quan có thể khiến lạm phát nóng trở lại - điều này sẽ hỗ trợ cho giá trị của đồng bạc xanh. Do đó, nhiều tổ chức kinh tế như Ngân hàng Thế giới và UOB đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam 1 điểm phần trăm, xuống mức 5,8 - 6%.
Thời điểm này, vẫn chưa có thông tin về mức thuế đối ứng phía Mỹ áp dụng với hàng hóa Việt Nam và nhiều người vẫn kỳ vọng các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước bắt đầu từ ngày 7/5 sẽ mang đến những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích đến từ Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 của Quốc hội là một bước quan trọng trong việc tháo gỡ những khó khăn liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh tổng tài sản có vấn đề (bao gồm nợ xấu, trái phiếu VAMC và các khoản nợ xấu tiềm ẩn khác) của hệ thống đã tăng lên khoảng 7%.
“Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng và GDP được Chính phủ đặt ở mức tương đối cao, chúng tôi tin rằng hệ thống ngân hàng cần một khung pháp lý ổn định và toàn diện để giải quyết nợ xấu, thay vì một chương trình thí điểm tạm thời trong một khoảng thời gian xác định như trước đây”, chuyên gia của SSI nhận định.