Luật hóa các hình thức xã hội hóa trong khám, chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00
Hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật - (Ảnh: Duy Linh). Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật - (Ảnh: Duy Linh).

Tiếp tục kỳ họp thứ tư, sáng 24/10 Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ ba và còn nhiều ý kiến khác nhau về những vấn đề lớn, trong đó có quy định về xã hội hoá.

Báo cáo trước khi các vị đại biểu thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo 2 phương án và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Phương án 1: quy định Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và quy định khái quát về xã hội hóa và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Phương án 2: quy định rõ các hình thức xã hội hóa, đặc biệt chỉ rõ hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư chỉ áp dụng trong việc thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng và giao Chính phủ quy định quy định chi tiết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc quy định như Phương án 1 vẫn còn chưa hợp lý vì không có nội dung, không chỉ rõ các hình thức xã hội hóa cụ thể làm cơ sở để giải quyết các tồn tại, bất cập hiện hành, chưa đáp ứng được thực tiễn. Hoạt động liên quan đến xã hội hóa và đầu tư tương đối đa dạng, phong phú, chịu sự điều chỉnh của một số luật khác có liên quan. Như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Quản lý tài sản công...

Bà Thuý Anh cho biết, qua quá trình lấy ý kiến, đa số ý kiến lựa chọn phương án 2 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo phương án này.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội , dự án Luật Giá (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này; nguyên tắc, phương pháp tính giá cũng như thẩm quyền quyết định giá cần được quy định tại Luật chuyên ngành về giá để đảm bảo tính bao quát, toàn diện.

Vì thế, dự thảo luật mới nhất chỉ quy định về chi phí khám bệnh, chữa bệnh, việc quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh và các yếu tố căn cứ tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời, bổ sung quy định ngân sách nhà nước chi bù các khoản chi phí chưa được tính trong giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và quy định lộ trình thực hiện việc chi bù này được áp dụng từ 1/1/2027.

Điều 107. Xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi trình Quốc hội thảo luận sáng 24/10)

1. Mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm tự chăm lo sức khỏe, phát hiện bệnh sớm cho các thành viên trong tổ chức, gia đình và bản thân; tham gia cấp cứu, hỗ trợ giải quyết các trường hợp xảy ra tai nạn, thương tích tại cộng đồng và tham gia các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có sự huy động của cơ quan có thẩm quyền.

2. Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng; khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.

3. Hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân;

b) Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng;

c) Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế;

d) Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, cận lâm sàng; dịch vụ phi y tế; dịch vụ nhà thuốc; quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

đ) Mua trả chậm, trả dần đối với thiết bị y tế;

e) Tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

g) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

4. Việc thực hiện thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục