Chia sẻ tại Hội thảo tổng kết một năm thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư diễn ra ngày 20-9 tại Hà Nội, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ KH&ĐT cho biết, trong vòng 1 năm từ khi thực hiện hai Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (1-7-2015 đến 1-7-2016) đến nay cả nước đã có hơn 105.975 doanh nghiệp (DN) được thành lập mới, với số vốn 767.900 tỷ đồng, bình quân vốn là 7,25 tỷ đồng/DN.
Số DN thành lập mới tăng 27,8%, vốn đăng ký mới cũng tăng trên 42% và bình quân vốn tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng cao. Cả nước có thêm 54.501 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ.
Qua một năm thực thi Luật DN, Luật Đầu tư mới, con số DN đăng ký và thành lập mới tăng đột biến đã cho thấy những điểm mới của hai luật trên đã có tác động bước đầu và có hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, sự thay đổi đáng kể nhất là ở thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh ở các địa phương. Trung bình thời gian xử lý hồ sơ mới thành lập của cả nước là 2,9 ngày; Hà Tĩnh là địa phương xử lý hồ sơ DN nhanh nhất 1 ngày; Tiền Giang 1,3 ngày; Hậu Giang là 1,32 ngày và Đà Nẵng là 2,52 ngày.
Trong khi đó, khối lượng công việc tại các phòng ban thuộc Sở KH&ĐT địa phương cũng được nâng lên 40%, thời gian làm việc kéo dài 10 - 15 tiếng/ngày. 6 tháng đầu năm cả nước có 285,149 hồ sơ. Trung bình mỗi cán bộ xử lý 551 hồ sơ, cao nhất TP. Hồ Chí Minh có 1.712 hồ sơ đăng ký/1 cán bộ; Hà Nội 1127 hồ sơ đăng ký/ cán bộ; Đà Nẵng là hơn 647 hồ sơ/cán bộ….Trong đó, 93% được chấp nhận ngay từ lần đầu tiên, giúp DN tối đa hóa chi phí...
Ông Lê Xuân Hiền TP ĐKKD Sở KHĐT tỉnh Hải Dương cho biết, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, đăng ký thay đổi nội dung ĐKKD đều tăng so với cùng kỳ, đưa tổng số DN của Hải Dương lên tới gần 10.000 doanh nghiệp (9.300 doanh nghiệp trong nước và gần 350 dự án FDI, các chi nhánh...). Bước đầu chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ đối với doanh nghiệp. Kích thích, tạo điều kiện cho việc khởi nghiệp. Cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp nhận thức được những giá trị khi Luật mới đi vào cuộc sống như về con dấu, người đại diện theo pháp luật, ngành nghề kinh doanh...
Theo đánh giá của Cục Đăng ký kinh doanh, tác động của hai đạo luật về kinh doanh và đầu tư đã và đang thúc đẩy đổi mới thái độ, tư duy của bộ máy chính quyền các cấp. Đặc biệt, thay đổi tư duy từ “ quản lý” sang “phục vụ”, đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin về thành lập, hoạt động DN. Theo đó, đã giải phóng quyền tự do kinh doanh với quy định DN được kinh doanh tất cả các lĩnh vực mà luật không cấm, điều này nâng cao tính tự chủ của DN.
Qua một năm thực thi Luật DN, Luật Đầu tư mới, con số DN đăng ký và thành lập mới tăng đột biến.
Bên cạnh đó, Luật Đầu tư cũng công khai ngành nghề cấm kinh doanh và có điều kiện... nhằm tạo điều kiện cho công dân, DN được tiếp cận tốt hơn với chính sách và chủ động trong việc đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, ở cấp độ cao nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị loại bỏ các điều kiện kinh doanh trái luật tại các Thông tư được ban hành bởi các Bộ, ngành. Giảm các thủ tục phiền hà, nhiêu khê ở các Bộ, cơ quan ngang bộ khi quy định: Các Bộ không được phép xây dựng thông tư trái Luật, Nghị định.
“Thời gian vừa qua, sau khi áp dụng đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư và thực hiện cơ chế thí điểm mời gọi đầu tư theo hai Luật mới, chúng tôi nhận thấy nhiều mô hình khá thành công như: TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm mô hình đăng ký kinh doanh tại nhà, “4 trong 1” (theo nguyên tắc, có 4 người tại các phòng ban, hỗ trợ tại nhà, cơ sở kinh doanh của pháp nhân hoặc người dân đăng ký kinh doanh). Hà Tĩnh có mô hình đăng ký kinh doanh “vui vẻ”, người dân, DN khi đến đăng ký kinh doanh được tư vấn mọi khó khăn vướng mắc trong ngày; còn Hà Nội hỗ trợ trực tuyến, trực tiếp cho người đăng ký kinh doanh tại chỗ đến khi nào làm được thì thôi”, ông Bùi Anh Tuấn cho biết.
Nhận định về những khó khăn vướng mắc sau 1 năm triển khai thực hiện 2 Luật, đánh giá chung tại Hội nghị cho rằng, phần lớn các khó khăn vướng mắc phát sinh là do sự thiếu nhất quán, đồng bộ giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư.
Đây cũng là lý do giải thích tại sao việc sửa đổi các luật chuyên ngành cũng như nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật về đầu tư, kinh doanh nhằm khắc phục những điểm còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành cần được đẩy nhanh để tạo thuận lợi cho hoạt động của DN cũng như hỗ trợ việc triển khai 2 Luật trên đạt mục tiêu và hiệu quả như kỳ vọng.
Đề xuất định hướng sửa đổi, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, phương thức sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư chủ yếu liên quan nội dung kỹ thuật, tập trung vào một số quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng; tương thích giữa Luật DN và Luật có liên quan trên các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, luật sư, công chứng. Đồng thời cần thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp, không phân biệt loại hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy một số hoạt động kinh doanh: chứng khoán, bảo hiểm, giám định tư pháp, luật sư, công chứng,… hoạt động dưới các hình thức DN theo Luật doanh nghiệp; nhưng lại thực hiện thủ tục đăng ký DN theo quy định riêng và tại cơ quan khác, trong đó Giấy phép hoạt động là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp .
Đơn cử, trong người đại diện pháp luật, hộ kinh doanh cá thể, Luật Doanh nghiệp 2014 yêu cầu hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật này.
Vấn đề này hiện có 2 quan điểm khác nhau: một là giữ nguyên nhằm khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp; hai là, đề nghị bãi bỏ vì hạn chế quyền kinh doanh và sự tự do trong lựa chọn hình thức kinh doanh.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) Quách Ngọc Tuấn cho biết, đối với Ngành nghề kinh doanh có điều kiện Dự thảo Luật bãi bỏ 50 ngành, nghề không cần thiết phải quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hoặc trùng lặp với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác; chuẩn hóa tên gọi của 29 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và bổ sung 14 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tổng số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ còn 231 ngành, nghề, giảm 36 ngành, nghề so với Danh mục hiện hành.