Luật cũng hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm.
Bổ sung nhiều hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán
Lần đầu tiên, Luật Chứng khoán đưa ra khái niệm chi tiết về các hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán: sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm thao túng giá chứng khoán; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Luật sư Điều hành, Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA |
So với quy định cũ của Luật Chứng khoán 2019, Luật Chứng khoán sửa đổi lần này đã bổ sung nhiều hành vi như: đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm thao túng giá chứng khoán; đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó.
Những quy định này được bổ sung và luật hóa dựa trên cơ sở thực tế các hành vi vi phạm gần đây. Điều này không chỉ góp phần giảm thiểu các hành vi gian lận, mà còn tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Đây là bước tiến quan trọng so với luật cũ, khi các quy định về thao túng thị trường còn khá chung chung và thiếu tính răn đe. Việc củng cố khung pháp lý này tạo điều kiện để thị trường phát triển minh bạch và bền vững hơn.
Bổ sung điều kiện để trở thành công ty đại chúng
Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung điều kiện để doanh nghiệp trở thành công ty đại chúng. Cụ thể, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp: công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên, có vốn chủ sở hữu từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ; công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định.
Với việc bổ sung điều kiện về vốn chủ sở hữu phải có từ 30 tỷ đồng trở lên, Luật mới nhấn mạnh vào yếu tố năng lực tài chính của công ty đại chúng, gián tiếp thắt chặt các điều kiện của tổ chức tham gia vào giao dịch và hoạt động chứng khoán.
Bên cạnh đó, Luật bổ sung các trường hợp công ty đại chúng bị hủy tư cách công ty đại chúng. Cụ thể, ngoài việc hủy tư cách do không còn đáp ứng một trong các điều kiện của công ty đại chúng theo quy định, Luật số 56 bổ sung các trường hợp: không thực hiện công bố thông tin trong 2 năm liên tục về báo cáo tài chính năm được kiểm toán; không thực hiện công bố thông tin trong 2 năm liên tục về nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên; trong 1 năm kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán ra công chúng, công ty không thực hiện đăng ký cổ phiếu tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc không thực hiện đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán.
Đáng chú ý, những trường hợp hủy tư cách này đều được thực hiện ngay, mà không cần khoảng thời gian chờ 1 năm như đối với trường hợp không đáp đủ điều kiện của công ty đại chúng như quy định cũ. Quy định này hoàn toàn mới và là một bước cải cách đáng kể của Luật, góp phần tăng cường tính minh bạch, hạn chế tối đa các hành vi gian lận, nâng cao trách nhiệm của các công ty đại chúng trong việc công bố thông tin và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định.
Hơn nữa, Luật số 56 trao thêm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được phép căn cứ danh sách cổ đông do Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam cung cấp hoặc báo cáo tài chính năm gần nhất của công ty được kiểm toán để tự hủy tư cách công ty đại chúng, mà không cần nhận được thông báo từ doanh nghiệp. Quy định này cũng đã “gỡ khó” cho các công ty đại chúng hiện nay, vì nhiều trường hợp không thể huỷ được tư cách công ty đại chúng do sự không phối hợp của cổ đông và/hoặc có những công ty không tự giác chấp hành quy định, gây ảnh hưởng quyền lợi của nhà đầu tư.
Một số quy định mới đáng chú ý khác
Luật số 56 đã bổ sung đối tượng là cá nhân người nước ngoài, tổ chức được thành lập ở nước ngoài tiến hành hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đây là điểm mới so với quy định cũ. Điều này sẽ góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, Luật mới quy định, tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình lập hồ sơ, tài liệu báo cáo và tổ chức, cá nhân tham gia xác nhận hồ sơ, tài liệu báo cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hồ sơ báo cáo trong phạm vi quyền và nghĩa vụ của mình, phù hợp với quy định của pháp luật; đảm bảo tính minh bạch, chính xác và trung thực của hồ sơ.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý, chấp thuận hồ sơ, tài liệu báo cáo, tổ chức tư vấn hồ sơ, người hành nghề tham gia tư vấn hồ sơ, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên liên quan đến việc kiểm soát các nội dung báo cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nhằm nâng cao nghĩa vụ báo cáo của tổ chức cá nhân, đảm bảo tính kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến thị trường chứng khoán, khi nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần, quy định sửa đổi yêu cầu bổ sung báo cáo về vốn điều lệ đã góp tính đến thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập.
Tựu trung, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo trong lĩnh vực chứng khoán và thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán, hướng tới mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi.