Một công ty du lịch lữ hành đang kinh doanh rất phát đạt tại tỉnh K, có vốn điều lệ hiện tại là 9 tỷ đồng và 500 cổ đông tham gia. Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho một dự án khả thi cao, công ty này muốn tiến hành tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng và chỉ bán cho cổ đông hiện hữu. Khi chuẩn bị các thủ tục cho đợt phát hành tăng vốn, công ty đã xin ý kiến tư vấn của một số chuyên gia thì mới phát hiện ra rằng đơn vị sẽ gặp khó khăn pháp lý trong đợt tăng vốn lần này.
Cụ thể như sau, Điều 6 Luật Chứng khoán minh định rằng, chào bán chứng khoán ra công chúng là "chào bán cho trên 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp". Như vậy, với 500 cổ đông, công ty sẽ phải chào bán chứng khoán ra công chúng. Tuy nhiên, để được chào bán chứng khoán ra công chúng thì Điều 12 Luật Chứng khoán lại yêu cầu phải có: "mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán". Nhưng với số vốn điều lệ chỉ ở mức 9 tỷ đồng hiện nay, công ty lại không đủ điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định của luật này.
Có chuyên gia cho rằng, công ty có thể chào bán riêng lẻ (hiện nay, chào bán riêng lẻ được hiểu là chào bán chứng khoán cho dưới 100 nhà đầu tư), nhưng cũng có ý kiến cho rằng không thể chào bán riêng lẻ vì Luật Chứng khoán đã yêu cầu là cứ chào bán cho trên 100 nhà đầu tư là phải chào bán ra công chúng, huống chi công ty đã có 500 cổ đông. Trong khi nếu chào bán riêng lẻ sẽ có cổ đông được mua và cổ đông không được mua, và như vậy lại vi phạm Luật Doanh nghiệp về đối xử bình đẳng giữa các cổ đông, bởi Điều 79 Luật Doanh nghiệp chỉ rõ: "Cổ đông được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty".
Như vậy, phải chăng là câu chuyện tăng vốn của doanh nghiệp trên đi vào ngõ cụt. Điều đó đồng nghĩa với những dự án rất khả thi của đơn vị sẽ không có vốn để thực hiện, nhất là trong điều kiện vay vốn ngân hàng khá khó khăn như hiện nay. Và câu chuyện này làm chúng ta nhớ lại cái vòng luẩn quẩn về điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội và TP. HCM trước đây, "muốn có hộ khẩu thường trú phải có nhà và muốn có nhà lại phải có... hộ khẩu thường trú".
Để giải quyết vấn đề này, chắc không thể ngày một ngày hai vì những sắc luật này do Quốc hội ban hành nên chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi. Nhưng thiết nghĩ, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nên xem xét, kiến nghị lên cơ quan ban hành chính sách có hướng dẫn cụ thể cho những doanh nghiệp có đặc thù là vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng nhưng lại có số lượng cổ đông hiện hữu lớn hơn 100 muốn thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng. Có thể hiểu việc hướng dẫn này cũng chỉ là biện pháp nhất thời, chờ đợi nghị định về chào bán chứng khoán riêng lẻ được ban hành nhưng cũng cần thiết, nhằm tránh để doanh nghiệp chấp nhận việc tăng vốn đồng nghĩa với việc phạm luật và có thể bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có thể xử phạt. Và chắc chắn doanh nghiệp sẽ rất ấm ức khi bị xử phạt trong trường hợp này vì cái giá của xử phạt cũng không nhỏ: "Phạt tiền từ một đến năm lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức phát hành chào bán chứng khoán ra công chúng khi chưa có Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng". Ngược lại, nếu không chào bán thì lại thiếu vốn để hiện thực hoá các cơ hội kinh doanh!?