Luật cần nâng tầm vị thế thị trường
Một trong những lệch lạc lớn nhất của thị trường vốn Việt Nam hiện nay là tình trạng hệ thống ngân hàng phải oằn lưng dùng vốn ngắn hạn tài trợ cho các khoản vay trung và dài hạn. Hệ lụy là nền kinh tế luôn khát dòng vốn dài hạn và lãi suất ngân hàng thường xuyên được duy trì ở mức cao hơn nhiều so với lãi suất ở các nền kinh tế lân cận như Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan...
Tình trạng này khiến nợ xấu trở thành một gánh nặng lớn không chỉ với hệ thống các ngân hàng mà còn với cả nền kinh tế. Chừng nào gánh nặng tài trợ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế còn chậm dịch chuyển sang vai của thị trường chứng khoán như thông lệ quốc tế thì “quả” nợ xấu mới sẽ vẫn "trổ" ra và nền kinh tế sẽ tiếp tục tốn kém nguồn lực để xử lý.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ trọng cung ứng vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế tính theo giá trị phát hành thực tế trong năm 2018 chiếm 14% tổng cung ứng vốn, trong khi tỷ lệ tín dụng/GDP khoảng 134%.
Từ thực trạng trên, không ít ý kiến từ thị trường cũng như trên nghị trường Quốc hội cho rằng, đã đến lúc xác định lại vai trò của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán cần phải được đẩy lên để đảm trách sứ mệnh huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp. Đây cần phải là mục tiêu cốt lõi trong xây dựng Luật, để từ đó cấu trúc lại bộ máy vận hành thị trường và các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, người thẩm định chính dự án Luật cho rằng, bộ máy vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam cần có vị thế độc lập và cần có thẩm quyền đối với hoạt động cũng như tổ chức bộ máy thị trường. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của nhiều chủ thể tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Luật cần bảo vệ mạnh mẽ nhà đầu tư đại chúng
Liên quan đến sự mất cân đối trên thị trường vốn, chìa khóa để dòng vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế chảy vào các doanh nghiệp, chảy vào sản xuất - kinh doanh như phân tích tại nhiều diễn đàn đầu tư nằm ở 2 từ, đó là “niềm tin”. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế chừng nào thị trường này chưa trở thành nơi giữ tiền an toàn cho người dân, nơi tài sản của họ được bảo vệ như cách nhiều thị trường chứng khoán quốc tế đã làm được…
Để tạo dựng niềm tin đầu tư, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cần làm mới quy định bảo vệ nhà đầu tư đại chúng. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện thu hút hơn 2 triệu nhà đầu tư mở tài khoản, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Trong mục tiêu tái cấu trúc thị trường chứng khoán đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nâng số nhà đầu tư tham gia lên 5% dân số Việt Nam, tức khoảng 5 triệu tài khoản. Để thu hút nhà đầu tư đại chúng tham gia và đi bền với thị trường, điều kiện tiên quyết là quy định pháp lý phải hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của họ.
Đánh giá về dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, dự án Luật đang bỏ trống phần bảo vệ nhà đầu tư đại chúng. Trong khi bản dự thảo lần đầu tiên có đưa ra quy định về Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, thì bản dự thảo đang trình ra Quốc hội cho ý kiến lại không còn quỹ này.
Luật sư Phùng Anh Tuấn cho rằng, loại hình quỹ bảo vệ nhà đầu tư đã được vận hành hiệu quả và khả thi ở nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới. Lẽ ra, Việt Nam nên đưa quy định này vào Luật sớm hơn để triển khai, chứ không phải đợi đến lần sửa Luật Chứng khoán năm 2019. VAFI đã nhiều lần đề xuất bổ sung loại hình quỹ bảo vệ nhà đầu tư vào quy định của pháp luật về chứng khoán, nhưng chưa được tiếp thu. “Đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích rõ vì sao lại loại bỏ quy định này trong dự thảo Luật”, ông Anh Tuấn nói.
Bên cạnh vị thế cơ quan quản lý, quy định về Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, một vấn đề nhức nhối lớn của thị trường chứng khoán là câu chuyện nới room. Dự án Luật đang tạm đề xuất việc nới room sang Chính phủ quy định chi tiết, tuy nhiên, cái vướng về room không phải nằm ở nghị định mà là ở Luật. Do đó, điều thị trường cần là Quốc hội nhìn thấu việc này và xử lý chuẩn mực giữa các dự án Luật đang và sắp được trình.