Câu chuyện phổ biến hiện nay đối với những người có nhu cầu vay tiền đó là chỉ cần gõ “vay tiền ngân hàng lãi suất thấp” sẽ hiện lên một loạt website của các ngân hàng. Điểm đáng chú ý, những webiste này là giả được thiết kế giống website chính thống, nếu người có nhu cầu vay vô tình cung cấp thông tin sẽ bước dần vào thòng lọng cho vay nặng lãi. Ý kiến của ông về tình trạng này?
Làm giả website ngân hàng để lừa đảo là chuyện không mới, nhưng với sự phát triển của công nghệ trong mọi lĩnh vực, các hành vi lừa đảo trên nền tảng công nghệ có xu hướng gia tăng cả về số lượng và cách thức. Các đối tượng lừa đảo sử dụng các thủ đoạn tinh vi, táo tợn, đặc biệt lợi dụng tâm lý chủ quan, cả tin của khách hàng để đánh cắp thông tin bảo mật, sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của họ.
Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến là đối tượng lừa đảo mạo danh cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo cho khách hàng có liên quan đến các vụ án buôn lậu, rửa tiền, mua bán ma túy... và yêu cầu họ cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng hoặc cài đặt dịch vụ theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo, hoặc là mạo danh nhân viên ngân hàng hay nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ.
Luật sư Trương Thanh Đức |
Người dùng khi đăng tải câu hỏi lên website/fanpage của ngân hàng sẽ bị đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên liên hệ, hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng như một bước để khắc phục lỗi dịch vụ.
Gần đây, các đối tượng này còn dụ dỗ người dùng bằng thủ đoạn nhân danh Bộ Công an đề nghị hợp tác, hỗ trợ giúp cơ quan chức năng truy bắt tội phạm, mà không đe dọa, điều tra vi phạm của nạn nhân như thông thường… để gài bẫy người dùng.
Trước mỗi hành vi, thủ đoạn lừa đảo, các ngân hàng cũng thường xuyên có các hình thức thông tin cảnh báo tới khách hàng, nhưng trên thực tế, vẫn có không ít khách hàng mắc bẫy các đối tượng lừa đảo do nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết về hoạt động tài chính và có cả sự chủ quan nhất định.
Có vẻ như câu chuyện ở đây không có lỗi từ phía ngân hàng?
Thực tế là các ngân hàng thường xuyên gửi thông tin cảnh báo tới khách hàng, thậm chí ngay từ khi mở tài khoản/thẻ cho khách hàng, nhân viên ngân hàng đã khuyến cáo khách hàng phải tuyệt đối giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu truy cập, mã xác thực OTP), thông tin thẻ (số thẻ, mã PIN, ngày hết hạn, mã CVV, mã CVC) và tuyệt đối không cung cấp thông tin về tài khoản của mình cho bất kỳ ai, qua bất cứ kênh nào.
Các ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi lời mời chào từ người lạ, có nhiều dấu hiệu khả nghi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là sự chủ quan của khách hàng, dẫn đến việc các đối tượng lừa đảo vẫn có cơ hội hoạt động.
Nói như vậy không có nghĩa phần lỗi hoàn toàn nghiêng về phía khách hàng. Thực tế cho thấy, tình hình an toàn, an ninh mạng trong ngành tài chính - ngân hàng thời gian qua vẫn còn tồn tại những vấn đề liên quan đến bảo mật và đến nay chưa được khắc phục, giải quyết kịp thời, nên tội phạm có cơ hội lợi dụng. Đôi khi, các ngân hàng tính không hết rủi ro, trong đó có cả lỗi công nghệ lẫn con người.
Trước sự gia tăng đáng lo ngại các vụ việc lừa đảo công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, liệu nguyên nhân có phải do chế tài chưa đủ mạnh?
Hiện tại, các văn bản quy phạm pháp luật, hành lang pháp lý để xử lý vấn đề này đã đầy đủ. Chẳng hạn, chỉ cần lừa đảo từ 2 triệu đồng trở lên là đã bị xử phạt hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu lừa đảo từ 500 triệu đồng trở lên là bị xử lý ở khung hình phạt từ 12-20 năm tù, hoặc tù ưchung thân.
Đôi khi, các ngân hàng tính không hết rủi ro, trong đó bao gồm cả lỗi công nghệ lẫn con người
Trong trường hợp gian lận, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác dưới 2 triệu đồng thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 1-5 triệu đồng theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội”. Kẻ chiếm đoạt đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân.
Về cơ bản, luật pháp hiện hành nghiêm khắc với tội danh lừa đảo, song điều quan trọng hơn là mọi người cần tự bảo vệ mình trước khi nhờ đến cơ quan công quyền, còn với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán thì nên chủ động bảo vệ khách hàng của mình, bởi loại tội phạm này không dễ truy bắt, xử lý và thu hồi được tài sản đã mất.
Vậy theo ông, giải pháp cho vấn đề này là gì? Các cơ quan quản lý cần có những động thái mạnh mẽ gì thêm?
Để ngăn ngừa các hoạt động tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh sự nâng cao cảnh giác, hiểu biết về tài chính từ phía người tiêu dùng, cũng đòi hỏi các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán cần tiếp tục đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để cung cấp nhiều hơn những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới, dựa trên nguồn dữ liệu lớn (big data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích khách hàng. Qua đó, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với giá cả hợp lý, sử dụng công nghệ tiên tiến bảo vệ bí mật khách hàng, ngăn ngừa tấn công mạng.
Bối cảnh thị trường thay đổi trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy các cơ quan quản lý cần quan tâm hơn tới việc xử lý gian lận lên môi trường mạng, chẳng hạn như nâng cấp, thay đổi, chỉnh sửa quy định pháp luật theo hướng tăng nặng hơn đối với các tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để tăng tính răn đe…, nhưng trên tất cả, chúng ta cần quay về gốc rễ của vấn đề, đó là câu chuyện quản lý nền tảng hạ tầng xã hội, mà để làm được điều này sẽ cần rất nhiều thời gian. Có như vậy thì mới hạn chế được sự gia tăng của loại hình tội phạm này.