Louis Agro: Nhiều toan tính sau loạt M&A chóng vánh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động thái liên tục thâu tóm những doanh nghiệp “lay lắt” trên thị trường chứng khoán như BII, TGG và mới nhất là AGM trước thềm IPO cho thấy toan tính của Louis Agro cũng như ông chủ đứng đằng sau tập đoàn này.

Không khó để thấy, điểm chung trong các thương vụ M&A chóng vánh mà hệ sinh thái “Louis” của ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Louis Agro thực hiện thời gian qua là đối tượng bị thâu tóm đều là những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh kém tích cực.

Theo đó, cả TGG (CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang) và BII (CTCP Đầu tư và phát triển công nghiệp Bảo Thư) đều rơi vào vòng xoáy thua lỗ trong vài năm trở lại đây. Tính đến cuối quý I/2021, TGG lỗ lũy kế hơn 34,8 tỷ đồng, còn BII là hơn 18,4 tỷ đồng và rơi vào diện cảnh báo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Với AGM (CTCP Xuất nhập khẩu An Giang), tuy không lỗ, nhưng hiệu quả kinh doanh của tượng đài ngành gạo một thời này cũng không mấy khả quan do khả năng cạnh tranh yếu ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Kết quả kinh doanh yếu kém cộng thêm những lùm xùm trong hoạt động khiến cổ phiếu BII và TGG không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, rơi về vùng giá 1.000 đồng/cổ phiếu và được ví như những cổ phiếu “xác sống” trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu AGM cũng chẳng khá hơn khi chủ yếu giao dịch dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong suốt 8 năm qua, thậm chí có thời điểm chỉ còn 5.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, kể từ khi Louis Argo xuất hiện, thị giá các cổ phiếu này đều tăng phi mã. Tính đến ngày 2/7/2021, cổ phiếu BII đạt mức giá 6.700 đồng/cổ phiếu, thậm chí có thời điểm tăng tới 11.000 đồng/cổ phiếu và TGG là 11.000 đồng/cổ phiếu với chuỗi tăng 13 phiên, trong đó 10 phiên tăng trần liên tiếp - đều tăng nhiều lần so với đầu năm, còn AGM đạt mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 31%.

Trong giai đoạn cổ phiếu tăng mạnh, việc “lướt sóng” BII, TGG và AGM với số lượng hàng triệu đơn vị mỗi phiên giúp không ít lãnh đạo chủ chốt của Louis Argo kiếm lợi lớn. Đơn cử, chỉ tính riêng ông Đỗ Thành Nhân, cho tới thời điểm bán ra 6,3 triệu cổ phiếu BII vào trung tuần tháng 6/2021 tại vùng giá 7.000 đồng/cổ phiếu đã cao hơn đáng kể so với vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu mua vào giai đoạn tháng 1/2021, cùng hàng triệu cổ phiếu TGG bán giá cao ở cùng thời điểm.

Bên cạnh đó, việc nắm giữ chi phối tại các doanh nghiệp nêu trên ngoài việc có thể tạo cơ hội đưa một số thành viên thuộc hệ sinh thái “Louis” lên sàn chứng khoán theo hình thức “niêm yết cửa sau” nếu muốn, Louis Argo còn có thể tái cấu trúc các khoản nợ của các đơn vị thành viên khi thực hiện sáp nhập vào các doanh nghiệp bị thâu tóm cũng như thực hiện M&A các tài sản có giá trị từ các doanh nghiệp này.

Đơn cử, vào cuối năm 2020, sau khi sáp nhập Công ty TNHH Golden Resource (một thành viên khác của Louis Agro) vào BII, tới đầu năm 2021, doanh nghiệp này đã chuyển nhượng vốn tại Công ty Công nghiệp gỗ Bình Thuận và chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích 44.587 m2 tại phường Bình Tân, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận cho chính Louis Agro. Trong khi đó, vào tháng 4/2021, BII cũng thực hiện mua lại khoản nợ 245 tỷ của Công ty Louis Trade Center (trước đây là CTCP Đầu tư Long Xuyên) tại BIDV An Giang.

Liên quan tới câu chuyện tái cấu trúc BII, TGG và AGM đang trên đà đi xuống, chia sẻ tại ĐHCĐ của BII ngày 18/6/2021, Chủ tịch HĐQT Louis Agro Đỗ Thành Nhân cho biết, trong hệ sinh thái của Tập đoàn, vai trò của TGG là thực hiện các hoạt động tư vấn, đầu tư M&A doanh nghiệp, AGM sẽ hướng đến mảng nông nghiệp, còn BII sẽ tập trung vào mảng bất động sản.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tái cấu trúc hoạt động các doanh nghiệp này không đơn giản, đòi hỏi nguồn lực rất lớn, chẳng hạn đối với BII hay TGG là câu chuyện giải bài toán lỗ lũy kế cũng như sự chưa rõ ràng trong việc phát triển các dự án trong tương lai.

Đặc biệt, tại TGG, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, đơn vị kiểm toán DFK Việt Nam đã nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp khi doanh thu giảm sút, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm nặng, nhất là sự xuất hiện của nhiều yếu tố không chắc chắn trong hoạt động kinh doanh liên quan đến khả năng thanh toán và các chỉ số tài chính yếu kém.

Cùng với đó, hai dự án “Trang trại chăn nuôi lớn theo hướng công nghiệp” tại Hòa Bình, Hà Nội và “Khu du lịch nghỉ dưỡng Ao Giời - Suối Tiên” tại Phú Thọ được đề cập trong tài liệu họp ĐHCĐ của TGG vẫn đang vướng giải phóng mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết trước khi đưa vào triển khai. Chưa kể, các dự án đều cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi hiệu quả khai thác trong ngắn hạn được đánh giá không nhiều khả quan khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, không thuận lợi với nhóm ngành sản xuất công nghiệp, du lịch.

Trang Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục