Quy định đã có…
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, DN tự chịu trách nhiệm về việc khắc và quản lý con dấu, không phải qua cơ quan công an như trước đây. Đồng thời, DN được phép sử dụng nhiều con dấu.
Tuy nhiên, những DN đã thay đổi con dấu hay làm dấu mới đang có nhiều thắc mắc về việc sử dụng và lưu giữ con dấu cũ như thế nào, nếu vẫn sử dụng có vấn đề gì không?
Về vấn đề này, Nghị định Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 8/12/2015. Theo đó, con dấu DN được quản lý và sử dụng theo quy định sau:
Các DN đã thành lập trước 1/7/2015 tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp cho DN mà không phải thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp DN làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu thì thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định về đăng ký DN.
Trường hợp DN đã thành lập trước 1/7/2015 làm con dấu mới theo quy định tại Nghị định này thì phải nộp lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Cơ quan công an cấp giấy biên nhận đã nhận lại con dấu tại thời điểm tiếp nhận lại con dấu của DN.
Trường hợp DN đã thành lập trước 1/7/2015 bị mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì DN được làm con dấu theo quy định tại Nghị định này. Đồng thời, thông báo việc mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.
Như vậy, với quy định trên có thể hiểu rằng, con dấu cũ của DN và giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu đều phải nộp lại cho cơ quan công an khi DN đăng ký và sử dụng con dấu mới. Trường hợp DN vẫn sử dụng con dấu cũ vào một số mục đích trong khi đã được phép sử dụng con dấu mới, DN đó sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
… nhưng khó thực thi
Nhiều DN vừa thực hiện đổi mẫu con dấu mới cho biết, họ đang rất lúng túng trong việc thực hiện quy định trên. Đại diện của DN đến cơ quan công an nơi cấp dấu cũ thì được trả lời, theo quy định mới, cơ quan công an không quản lý con dấu DN. Do đó, sau thời điểm Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, họ không chịu trách nhiệm về con dấu DN và không thực hiện bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến con dấu nữa. Cơ quan công an hướng dẫn DN qua Sở Kế hoạch và đầu tư trả dấu. DN về Sở Kế hoạch và đầu tư xin ý kiến thì được trả lời, DN không trả dấu cũng không sao vì con dấu hiện giờ không có giá trị pháp lý. Sở Kế hoạch Đầu tư tại nơi DN đăng ký cũng không thực hiện thu lại con dấu.
Hiện theo các thông tư của ngành công an, nếu DN không nộp lại con dấu cũ khi sử dụng con dấu mới bị phạt từ 500.000-1.000.000 đồng. Có nhân viên Sở Kế hoạch và đầu tư đã tư vấn cho DN rằng, cứ giữ lại con dấu cũ, khi nào bị hỏi thì nộp phạt là xong!
Tuy nhiên, vị đại diện DN trên cho biết, họ muốn tuân thủ đúng các quy định pháp luật khi thực hiện đổi tên công ty và thay đổi con dấu. Trong trường hợp này, DN biết xử lý cách nào? Từ câu chuyện này, ông cũng mong muốn các cơ quan xây dựng luật có những hướng dẫn đồng bộ, liên tịch giữa các cơ quan liên quan để DN không mất nhiều thời gian, công sức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời luôn có thể chấp hành đúng các quy định pháp luật.
Điều 44, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về con dấu của doanh nghiệp như sau:
1. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:
a) Tên doanh nghiệp;
b) Mã số doanh nghiệp.
2. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.
4. Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.