Ngày 25/7, tỉnh Long An tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Long An.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, ngày 13/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh Long An là địa phương thứ 10 cả nước và là tỉnh đầu tiên khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch tỉnh.
Bản quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của khu vực phía Nam, trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Long An sẽ kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, để hình thành hành lang kinh tế và đô thị động lực.
Về tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Để đạt được các mục tiêu, tỉnh Long An đã đề ra các giải pháp đột phá các trụ cột để thực hiện.
Đối với kinh tế, Long An tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình “một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực”.
Cụ thể, Thành phố Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của TP.HCM, là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Về hai hành lang kinh tế gồm:hành lang đường Vành đai 3, 4: bám dọc theo các trục đường Vành đai 3, Vành đai 4 của TP.HCM; hành lang phát triển phía Nam, bám dọc theo trục động lực liên tỉnh từ TP.HCM đi qua tỉnh Long An và kết nối với tỉnh Tiền Giang (qua trục quốc lộ 50B).
Long An cũng xác định 3 vùng kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, vùng đô thị và công nghiệp, tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức - Tân An và các đô thị công nghiệp ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước, phát triển khu kinh tế ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước.
Thứ hai, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu gắn với cảnh quan đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Phấn đấu đưa thương hiệu du lịch Đồng Tháp Mười là thương hiệu quốc gia gắn kết chặt chẽ với du lịch của tỉnh. Phát triển thị xã Kiến Tường là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.
Thứ ba, vùng đệm sinh thái sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái, khu trung chuyển nội tỉnh.
Tỉnh Long An xác định 6 trục động lực kinh tế gồm: trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4; trục động lực quốc lộ 50B; trục động lực song hành quốc lộ 62; trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh; trục động lực quốc lộ N 1; trục động lực Đức Hoà.
Ngoài ra, quy hoạch tỉnh Long An cũng đã xác định các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các phương án phát triển khác. Quy hoạch tỉnh đã xây dựng báo cáo đánh giá môi trường từ đó đưa ra các khuyến nghị bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư tỉnh ủy Long An cho biết, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở, là tiền đề quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu xây dựng Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam vào năm 2030.
“Tỉnh Long An cam kết, sẽ luôn mở rộng cửa để chào đón và đồng hành với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; quan điểm của tỉnh là luôn xem người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ; doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển” Bí thư tỉnh Long An nhấn mạnh.