Những tín hiệu tích cực vừa xuất hiện liên quan đến việc giải quyết khoản nợ đọng kéo dài đối với Liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Tài chính đã cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phối hợp với cơ quan lập kế hoạch hoàn thiện thủ tục đầu tư, bố trí vốn cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định.
Bên cạnh lối mở nói trên, hai bộ cũng có chung quan điểm rằng, nếu như việc sử dụng nguồn vốn dư từ các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ không sử dụng hết sẽ được ưu tiên phân bổ để xử lý dứt điểm khoản công nợ cầu Hòa Trung.
Đây là trường hợp hiếm hoi nhận được sự đặc cách này, bởi theo khoản 2, Điều 160, Luật Đầu tư công, chỉ bố trí vốn đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày luật này có hiệu lực.
“Tuy nhiên, với đặc thù của Dự án, việc nhà thầu ứng vốn thi công để hoàn thành Dự án trong năm 2015 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và đến nay vẫn chưa được bố trí kế hoạch thanh toán là một thực tế”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đánh giá.
Giám đốc điều hành dự án (Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh) Nguyễn Thành Vinh cho biết, cầu Hòa Trung là công trình cầu có tiến độ thi công nhanh nhất từ trước đến nay.
Bắt đầu từ tháng 3/2015, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh mới nhận nhiệm vụ chủ đầu tư Dự án, sau khi tiếp nhận từ địa phương. Khi đó, vốn đầu tư chưa được cấp, thủ tục đầu tư chưa duyệt, đấu thầu lại từ đầu, mặt bằng chưa bàn giao hoàn chỉnh…, nên có thể nói, đây là một dự án quá gấp về tiến độ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco4, cầu Hòa Trung được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng theo hình thức ứng vốn trước thi công và được hoàn trả bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Để kịp tiến độ, ngoài việc huy động một lượng lớn nhân lực, thiết bị, các nhà thầu đã phải vay nóng các ngân hàng.
Trong văn bản “thúc nợ” gửi Chính phủ hồi cuối tháng 8/2016, Liên danh do Cienco4 đứng đầu muốn được các bộ, ngành bố trí thanh toán khoản vốn ứng trước trị giá 292 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn dư từ các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 hoặc từ các nguồn vốn hợp khác do tình hình công nợ đã “căng như dây đàn”.
“Ngoài các khoản vay tín dụng với lãi suất cao, nhà thầu còn đang nợ các đơn vị cung cấp vật liệu và lương cho người lao động một khoản kinh phí khá lớn”, một lãnh đạo trong Liên danh nhà thầu cho biết.
Xác nhận khoản công nợ nói trên của nhà thầu là có thật, đại diện chủ đầu tư Dự án (là Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh) khẳng định, họ đang nỗ lực báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để tìm nguồn thanh toán.
Cần phải nói thêm rằng, ngay cả khi nhận vốn trong 3 năm tới, thì nguy cơ thua lỗ đối với các nhà thầu là rất lớn, khi cơ hội được bổ sung chi phí lãi vay trả chậm theo lãi suất ngân hàng trong thời gian thi công cho đến khi được thanh toán toàn bộ vốn ứng như đề xuất mới nhất của Cienco1 - Cienco4 là rất thấp.
Chia sẻ khó khăn với nhà thầu, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, việc bố trí vốn để thanh toán hoàn trả nhà thầu các khối lượng đã thực hiện là cần thiết và nên xử lý dứt điểm để tránh thiệt hại cho đơn vị thi công - những người đã hoàn thành vượt tiến độ, tiết kiệm cho ngân sách hơn 90 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt.