Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao khiến giới đầu tư chùn tay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên ngày thứ Tư (19/10), ảnh hưởng do cổ phiếu của Abbott Laboratories suy yếu và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng mạnh.
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao khiến giới đầu tư chùn tay

Lợi tức trên trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm đã chạm 4,136%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008.

Tác động của lãi suất cao đang được thể hiện mạnh mẽ trên thị trường nhà ở, nơi số lượng xây dựng nhà ở mới giảm nhanh hơn dự kiến trong tháng 9, Cục Điều tra Dân số Mỹ cho biết vào ngày thứ Tư.

Sự gia tăng lợi suất đã đè nặng lên những cái tên nhạy cảm với lãi suất như nhóm cổ phiếu bất động sản giảm 2,56% và những cái tên tăng trưởng lớn như Microsoft Corp và Amazon.com, khi đều suy yếu.

Cổ phiếu Abbott giảm 6,5% sau khi báo cáo doanh số bán thiết bị y tế quốc tế tăng trưởng thấp hơn dự kiến ​​do đồng USD mạnh lên và những thách thức về nguồn cung ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, điểm sáng thuộc về Netflix, khi đã tăng hơn 13% sau khi thông báo thu hút 2,4 triệu người đăng ký mới trên toàn thế giới trong quý III, cao hơn gấp đôi so với dự báo.

Kết thúc phiên 19/10, chỉ số Dow Jones giảm 99,99 điểm (-0,33%), xuống 30.423,81 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 24,82 điểm (-0,67%), xuống 3.695,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 91,89 điểm (-0,85%), xuống 10.680,51 điểm.

Chứng khoán châu Âu giảm, khi các nhà đầu tư lo lắng về lạm phát tăng nhanh ở Anh, triển vọng tăng lãi suất cao hơn và một loạt báo cáo kết quả kinh doanh phân hóa cao.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,42% xuống 398,18 điểm.

Dữ liệu cho thấy lạm phát của Anh đã tăng 10,1% trong tháng 9, mức cao nhất trong 40 năm, tương đương với mức lạm phát vào tháng 7 và gây thêm áp lực lên Ngân hàng Trung ương Anh trong việc đẩy mạnh tăng lãi suất khống chế đà leo thang của giá cả.

Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của khu vực đồng Euro đã được điều chỉnh giảm nhẹ xuống 9,9% từ 10%, nhưng vẫn ở mức cao kỷ lục, nhấn mạnh dự báo của thị trường về việc lãi suất sẽ tiếp tục tăng trước khi kết thúc năm 2022.

Phiên này, hơn một nửa số ngành trên STOXX 600 giảm điểm, trong đó bất động sản giảm 2,6% và bán lẻ giảm 1,8% là những ngành dẫn đầu đà giảm. Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ tăng 1,2% được thúc đẩy bởi kết quả mạnh mẽ từ ASML.

Theo đó, cổ phiếu của ASML tăng 8,2% sau khi nhà sản xuất thiết bị chip báo cáo doanh thu và lợi nhuận quý III khả quan cùng với lượng đặt mới kỷ lục.

Cổ phiếu Handelsbanken tăng 6,2% sau khi ngân hàng Thụy Điển báo cáo thu nhập kỷ lục vượt dự báo, do thu nhập lãi tăng trong môi trường lạm phát gia tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.

Ở chiều ngược lại, Nestle giảm 1,3% sau khi CEO của công ty nêu quan ngại về “môi trường kinh tế đầy thách thức” ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Cổ phiếu Sartorius giảm 16,6% sau khi nhà sản xuất thiết bị phòng thí nghiệm Pháp-Đức cho biết họ dự kiến ​​doanh thu năm 2022 sẽ đạt một nửa dự báo.

Cổ phiếu Royal Unibrew giảm 14,6% sau khi nhà máy bia Đan Mạch cắt giảm triển vọng cả năm, với lý do áp lực lạm phát lên hành vi của người tiêu dùng.

Kết thúc phiên 19/10: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 11,75 điểm (-0,17%), xuống 6.924,99 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 24,20 điểm (-0,19%), xuống 12.741,41 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 26,28 điểm (-0,43%), xuống 6.040,72 điểm.

Giá dầu thô tăng trở lại khi có dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đang trên đà phục hồi.

Ngoài ra, lo ngại về nguồn cung thắt chặt và sự không chắc chắn cũng giúp giá dầu đi lên, ảnh hưởng bởi thông tin Mỹ sẽ giải phóng nhiều dầu thô hơn từ kho dự trữ chiến lược của mình.

Kết thúc phiên 19/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 2,73 USD/thùng (+3,19%), lên 85,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,38 USD/thùng (+2,58%), lên 92,41 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục