Lợi nhuận thực đầu tư chứng khoán là lợi nhuận nào?

(ĐTCK) Việc tính toán lợi nhuận tham khảo trên hệ thống phần mềm sao cho phù hợp với thực tế khi nhà đầu tư mua bán liên tục trên thị trường vẫn là bài toán khó đối với các CTCK. 
Lợi nhuận tạm tính giúp nhà đầu tư theo dõi được kết quả đầu tư (tạm thời) tại một thời điểm cụ thể Lợi nhuận tạm tính giúp nhà đầu tư theo dõi được kết quả đầu tư (tạm thời) tại một thời điểm cụ thể

Một số CTCK hỗ trợ nhà đầu tư công cụ tính lợi nhuận tham khảo, nhưng cũng có trường hợp, CTCK “phát ốm” khi nhà đầu tư muốn “bắt đền” vì lợi nhuận thực khác những gì CTCK tính ra…

Từ trường hợp nhà đầu tư khiếu nại CTCK

Ông Vinh là nhà đầu tư có mở tài khoản giao dịch tạo CTCK M và một số CTCK khác. Danh mục đầu tư của ông có một vài cổ phiếu “nóng”, trong đó nổi bật là cổ phiếu F. đã “gây bão” trên thị trường trong một thời gian khá dài khi liên tiếp có nhiều con sóng lớn nhỏ với thanh khoản bình quân mỗi ngày lên đến hàng chục triệu đơn vị.

Sau một thời gian mua bán liên tục cổ phiếu F. nói trên, ông Vinh đã tính toán lợi nhuận thu được và phát hiện thấy kết quả tính toán của ông đã có sự chênh lệch lớn so với kết quả tính toán do CTCK M cung cấp trên hệ thống phần mềm của công ty. Ông Vinh cho rằng, CTCK M đã được lợi số tiền chênh lệch kể trên và gửi đơn khiếu nại đến CTCK M yêu cầu công ty giải thích rõ sự khác biệt.

Về phần mình, CTCK M đã giải thích rằng chức năng hỗ trợ tính toán lợi nhuận trên hệ thống là cách tính riêng của công ty, chỉ mang tính tham khảo, không thể xem là lợi nhuận thực tế và công ty khẳng định không trục lợi tiền của nhà đầu tư.

Ông Vinh không đồng ý với lời giải thích trên của CTCK M vì cho rằng CTCK khi đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ tính toán lợi nhuận thì phải tính cho chính xác. Ông mang nỗi ấm ức trong lòng, bởi cũng không thể buộc CTCK M thực hiện nghĩa vụ gì với ông khi phần mềm hỗ trợ tính lợi nhuận mà công ty này cung cấp chỉ có mục đích giúp nhà đầu tư… tham khảo.

… đến sự cần thiết phải phân biệt lợi nhuận thực và lợi nhuận tham khảo

Hiện nay, không một CTCK nào có hệ thống phần mềm giúp nhà đầu tư tính toán chính xác lợi nhuận từ hoạt động giao dịch chứng khoán trên thị trường. Nguyên nhân xuất phát từ việc giao dịch của nhà đầu tư diễn ra liên tục, số lượng cổ phiếu thường xuyên thay đổi, nên việc áp dụng nguyên tắc nào để tính giá vốn đối với mỗi loại cổ phiếu trong danh mục cho hợp lý để từ đó xác định lợi nhuận đầu tư vẫn là vấn đề vượt quá khả năng của hệ thống phần mềm tại các CTCK.

Trên thực tế, chưa có văn bản pháp luật nào quy định về việc phải sử dụng một nguyên tắc thống nhất khi tính toán lợi nhuận của nhà đầu tư cá nhân, nên các CTCK khi cung cấp tiện ích hỗ trợ tính toán lợi nhuận cho nhà đầu tư đều áp dụng cách tính riêng theo quan điểm của mỗi công ty và nhiều công ty đã khẳng định chúng chỉ mang tính chất tham khảo.

Trong trường hợp trên, CTCK M áp dụng nguyên tắc tính giá vốn của cổ phiếu mà công ty gọi là phương pháp FIFO (Nhập trước Xuất trước), tức là đối với mỗi mã cổ phiếu khi bán ra thì những cổ phiếu mua trước đó được xem như là bán ra trước. Sau đó vào cuối ngày, hệ thống sẽ tự động tính toán lại giá vốn dựa trên số chứng khoán còn lại trong tài khoản. Trong khi đó, ông Vinh tính giá vốn bình quân của cổ phiếu F. bằng cách lấy tổng số tiền chia cho tổng số chứng khoán đã mua. Vì vậy, kết quả tính giá vốn của hai phương pháp là khác nhau, dẫn đến có sự chênh lệnh về lợi nhuận.

Suy cho cùng, cả hai phương pháp xác định giá vốn để tính lợi nhuận mà CTCK M và ông Vinh áp dụng là lợi nhuận tạm tính và chỉ mang tính chất tham khảo hay nói vui là cả hai đều “đếm cua trong lỗ”.

Lợi nhuận tạm tính giúp nhà đầu tư theo dõi được kết quả đầu tư (tạm thời) tại một thời điểm cụ thể, vì giá chứng khoán biến động liên tục nên nếu nhà đầu tư chưa bán hết số chứng khoán trong danh mục thì khi đó kết quả tính lợi nhuận từ bất kỳ phương pháp nào cũng chỉ mang ý nghĩa tạm tính.

Lợi nhuận thực sau một thời gian đầu tư phải được tính toán dựa trên tổng số tiền mua cổ phiếu mà nhà đầu tư đã chuyển vào tài khoản tại CTCK trong thời gian đó và tổng số tiền thu về khi bán hết số chứng khoán trong tài khoản (sau khi đã trừ đi thuế, phí giao dịch), hay nói cách khác là nhà đầu tư sẽ chỉ thu được lợi nhuận thực khi hiện thực hóa lợi nhuận tạm tính. Nhà đầu tư và môi giới các CTCK cần nhận thức rõ sự khác biệt này, để tránh những tình huống không đáng có như bác nhà đầu tư Vinh nói trên.

Lê Đăng Quang – Nguyễn Đức Trường

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục