Hầu hết công ty hoàn thành 30 - 40% kế hoạch năm
Công ty Chứng khoán TP.HCM (HCM) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2018, theo đó, doanh thu tăng 285%, lợi nhuận trước thuế tăng 251% so với quý I/2017, đạt 404 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI) báo lãi trước thuế trong quý I/2018 đạt 400 tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, quý I/2018, lợi nhuận trước thuế của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tăng 40%, lợi nhuận trước thuế của Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND) tăng 32%...
Tính chung 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), lợi nhuận trước thuế trong quý I/2018 tăng 128% so với cùng kỳ năm 2017.
Doanh thu của nhóm công ty chứng khoán này tăng trưởng khá đồng đều tại hầu hết các mảng hoạt động; không chỉ môi giới, mà thu nhập từ cho vay ký quỹ (margin), tư vấn, tự doanh cũng tăng mạnh. Trong đó, margin tiếp tục là “con gà đẻ trứng vàng”.
Báo cáo tài chính của SSI cho biết, tổng dư nợ cho vay ký quỹ và ứng trước đến cuối quý I/2018 là 7.406 tỷ đồng, tăng 30,5% so với đầu năm; lãi từ cho vay chiếm 24% thu nhập hoạt động.
Tại Công ty Chứng khoán BIDV (BSI), Công ty Chứng khoán FPT (FTS), Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Công ty Chứng khoán MB (MBS), dư nợ cho vay đến cuối quý I/2018 tăng trên dưới 25% so với đầu năm và đóng góp 30 - 40% thu nhập hoạt động.
Tổng dư nợ cho vay tại 10 công ty chứng khoán tốp đầu đến ngày 31/3/2018 là 32.225 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm.
Tuy hầu hết công ty chứng khoán đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017, chẳng hạn SSI lên kế hoạch lãi trước thuế tăng hơn 15%, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCI) đặt mục tiêu lãi trước thuế tăng 26%, chỉ tiêu này tại VND là tăng 44%, HCM kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng 50%..., nhưng với kết quả quý I/2018, nhiều công ty đã hoàn thành 30 - 40% kế hoạch năm.
Trong quý I/2018, không chỉ thị trường chứng khoán cơ sở, mà thị trường chứng khoán phái sinh cũng ghi nhận sự bứt phá. Số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong 4 tháng cuối năm 2017, giá trị giao dịch (theo quy mô danh nghĩa hợp đồng) bình quân đạt 953,4 tỷ đồng/phiên, thì trong 4 tháng đầu năm 2018, con số này tăng lên 2.666,8 tỷ đồng/phiên. Riêng tuần giao dịch cuối cùng của tháng 4/2018, giá trị giao dịch bình quân đạt 5.579,3 tỷ đồng/phiên.
Sự bứt phá về điểm số và thanh khoản của thị trường chứng khoán được xem là nguyên nhân quan trọng giúp nhiều công ty chứng khoán ghi nhận được kết quả kinh doanh quý đầu năm tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây, qua đó các chỉ số hiệu quả sinh lời trên tổng tài sản và nguồn vốn được cải thiện mạnh mẽ.
Ồ ạt lên kế hoạch gọi vốn
Mùa đại hội đồng cổ đông năm nay, không ít công ty chứng khoán công bố các kế hoạch gọi vốn “khủng” trong năm 2018.
Cụ thể, ngày 26/4, Đại hội đồng cổ đông HCM đã thông qua phương án chào bán 86 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành 6,5 triệu cổ phiếu ESOP nhằm huy động 1.266 tỷ đồng bổ sung hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh. Trước đó, ngày 12/4, Hội đồng quản trị HCM thông qua phương án phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn và kinh doanh trái phiếu chính phủ.
Với VND, sau khi chào bán thành công hơn 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông trong tháng 3/2018, thu về hơn 500 tỷ đồng, thì tại Đại hội đồng cổ đông ngày 20/4, Công ty trình đại hội kế hoạch gọi vốn trong giai đoạn 2018 - 2019, bao gồm chào bán hơn 55 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành 66 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và 660 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi nhằm tăng quy mô vốn hoạt động.
Gọi vốn cũng là câu chuyện chung tại SHS và Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS). Trong khi Đại hội đồng cổ đông SHS thông qua phương án phát hành 70,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu thì VPBS thông qua phương án chào bán 500 tỷ đồng cổ phần ưu đãi cổ tức riêng lẻ cho nhà đầu tư.
SSI không đề xuất Đại hội đồng cổ đông ngày 20/4 phương án gọi vốn, nhưng trước đó, trong tháng 2/2018, Công ty đã chào bán 1.150 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho một tổ chức nước ngoài nhằm huy động vốn để tăng quy mô vốn hoạt động.
Tại VCI, trong tháng 4/2018, Công ty đã phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, ổn định nguồn vốn và tái cơ cấu các khoản nợ. Trước đó, trong tháng 1/2018 và tháng 12/2017, Công ty lần lượt công bố phát hành 2 đợt trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng và 300 tỷ đồng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm mục đích tương tự.
Việc tăng cường gọi vốn của các công ty chứng khoán được đánh giá là bước chuẩn bị nhằm đón đầu tiềm năng tăng trưởng thị trường trong thời gian tới. Không chỉ tăng nguồn cho vay ký quỹ mà còn đủ khả năng cung cấp các sản phẩm mới mà các cơ quan quản lý đã, đang và sắp đưa vào vận hành.
Đối với hoạt động cho vay ký quỹ, theo Quyết định số 87/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty chứng khoán có thể cung cấp mức cho vay bằng 200% nguồn vốn chủ sở hữu. Như vậy, với tổng vốn chủ sở hữu đến 31/3/2018 là 28.117 tỷ đồng, nhóm 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn trên HOSE có khả năng cho vay đến hơn 56.000 tỷ đồng, con số này sẽ tiếp tục tăng khi các công ty hoàn thành huy động vốn trong thời gian tới.
Trên thực tế, việc cho vay của các công ty chứng khoán còn chịu nhiều giới hạn khác như tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu, tổng dư nợ cho vay đối với một chứng khoán không được vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán và không được vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của tổ chức phát hành. Ngoài ra, nguồn vốn của công ty còn phải phải đáp ứng cho các hoạt động khác như môi giới, tự doanh…, nên khi margin tăng mạnh, tình trạng cạn nguồn rất dễ xảy ra.
Việc các công ty chứng khoán tăng cường nguồn vốn cho vay không chỉ nhằm đẩy mạnh doanh thu từ hoạt động này, mà còn là một trong những yếu tố quyết định trong việc giữ chân khách hành và thúc đẩy doanh thu môi giới, thị phần.
Trong bối cảnh bức tranh thị phần dịch vụ môi giới cổ phiếu, trái phiếu đã định hình khá rõ nét, các sản phẩm, dịch vụ mới đang là mảnh đất màu mỡ cho các công ty chứng khoán khai thác. Tính đến tháng 5/2018, mới có 8 công ty chứng khoán cung cấp sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai cho nhà đầu tư. Trong khi đó, với hoạt động chứng quyền có bảo đảm (CW), thông tin từ HOSE cho biết, đến tháng 3/2018 mới có 12/74 công ty chứng khoán thành viên của Sở đủ điều kiện để trở thành tổ chức phát hành.
Bên cạnh sự chuẩn bị về hệ thống, nhân lực, nguồn vốn một trong những điều kiện bắt buộc mà công ty chứng khoán phải đáp ứng. Để trở thành thành viên giao dịch hợp đồng tương lai, công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ tối thiểu 600 tỷ đồng. Đối với phát hành CW, công ty chứng khoán cần có vốn điều lệ tối thiểu 1.000
tỷ đồng.
Các công ty chứng khoán tốp đầu đang tạo ra lợi thế cạnh tranh và thu hút khách hàng, nhưng vẫn nỗ lực tăng vốn nhằm bảo vệ vị thế và tận dụng thời cơ bứt phá, còn các công ty chứng khoán tốp sau tăng vốn để tăng sức cạnh tranh.
Triển vọng vẫn khả quan
Thị trường chứng khoán vừa có đợt điều chỉnh, VN-Index mất gần 180 điểm sau 16 phiên giao dịch, từ ngày 9/4 đến 3/5, tương đương giảm 14,8%, với 73% số cổ phiếu giảm giá, ghi nhận đợt giảm giá mạnh nhất kể từ đầu
năm 2017.
Chuỗi giảm điểm vừa qua của VN-Index sau khi vượt ngưỡng kỷ lục 1.200 điểm đã đưa mức định giá chung của thị trường và nhiều cổ phiếu về mức hấp dẫn hơn.
Qua đó, thị trường chứng khoán sẽ thu hút không chỉ dòng tiền từ những nhà đầu tư đã sớm rút ra trước đợt sụt giảm quay trở lại, mà còn cả dòng tiền mới gia nhập thị trường trong bối cảnh yếu tố vĩ mô như lãi suất, lạm phát, tỷ giá ổn định, tín dụng, GDP, hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt.
Đây sẽ là bối cảnh thuận lợi để kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong các quý tới. Đặc biệt, hoạt động IPO, thoái vốn, bán vốn nhà nước dự báo sẽ sôi động, thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn, giúp các công ty chứng khoán khai thác, gia tăng thêm khách hàng, doanh thu, lợi nhuận, sớm hoàn thành, thậm chí vượt các mục tiêu đề ra trong năm nay.
Tuy vậy, bên cạnh bài toán tận dụng cơ hội bứt phá từ thị trường, khối công ty chứng khoán cũng đang phải đối mặt bài toán cân bằng giữa tăng trưởng và quản trị rủi ro hiệu quả, tránh phát sinh những khoản nợ xấu, nhất là từ cho vay margin hay thua lỗ từ tự doanh sau khi thị trường tăng nóng như giai đoạn 2008 - 2012.