Lợi nhuận ngân hàng tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)Tín dụng cải thiện thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng tăng trở lại tháng cuối năm.
Lợi nhuận ngân hàng tăng trở lại

Tại VPBank (mã VPB), biên lãi ròng (NIM) dự báo cải thiện hơn trong quý IV/2021. Nguyên nhân chính khiến NIM giảm trong quý III/2021 là do thoái lãi dự thu và việc không ghi nhận lãi dự thu đối với các khoản nợ tái cơ cấu.

Theo SSI Research, NIM của VPBank có thể sẽ hồi phục một phần trong quý IV/2021, đồng thời nguồn vốn chi phí thấp từ thương vụ thoái vốn tại FE Credit cũng sẽ hỗ trợ NIM của ngân hàng này trong quý cuối năm. Trong năm 2022, VPBank có thể tiếp tục ghi nhận những nguồn vốn này nếu phát hành thành công cho đối tác chiến lược.

Thực tế, VPBank đã thu hút được một số khoản vay ngoại tệ có chi phí thấp hơn trái phiếu trung hạn bằng đồng euro (EMTN) phát hành năm 2019. Theo đó, SSI Research dự báo lợi nhuận năm 2021 và 2022 VPBank có thể duy trì mức tăng lần lượt là 22% và 23%, tương ứng đạt 15.900 tỷ đồng và 19.500 tỷ đồng.

Tương tự, lợi nhuận 2021 và 2022 của OCB (mã OCB) được dự báo ở mức 5.300 tỷ đồng và 6.200 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20% và 17% với động lực chính là kế hoạch chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phần, giá chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần tại thời điểm cuối quý gần nhất khi phát hành.

Ngân hàng vẫn phấp phỏng với lãi dự thu, bởi trong mức lợi nhuận cao 3 quý đầu năm có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố này.

Ở nhóm ngân hàng quy mô nhỏ hơn, tính đến thời điểm này, có thể khẳng định nhiều ngân hàng sẽ vượt khá mạnh chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2021 khi đã hoàn thành kế hoạch năm từ cuối quý III. Đơn cử, tại MSB (mã MSB), đến hết tháng 10/2021, ngân hàng này ghi nhận lãi trước thuế 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm. Các chỉ số ROA, ROE lần lượt là 2,14% và 20,83%; NIM đạt 3,72%, cao hơn mức 3,35% của năm 2020 và 2,51% của 2019. Dự kiến, MSB sẽ đạt hơn 5.000 tỷ đồng lãi trước thuế cho cả năm 2021.

Hay với SeABank (mã SSB), lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng này đạt 2.530 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm là 2.414 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, SeABank có hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, tăng gần 80% so với đầu năm.

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra nhận định, các chỉ số hoạt động của các ngân hàng trong năm 2021 không đến mức u ám, thậm chí còn tăng trưởng tốt nhờ các yếu tố: Mục tiêu tín dụng 13% trong năm 2021 được hỗ trợ bởi việc nới room tín dụng cho các ngân hàng trong quý IV/2021; nhiều ngân hàng gia tăng tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp như MBBank, Techcombank, TPBank, VPBank, MSB…, nhờ đó cải thiện được biên lãi ròng do lãi suất cao hơn so với cho vay trực tiếp; các ngân hàng tập trung huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giúp giảm chi phí vốn, tăng hiệu quả cho vay, một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ CASA cao (hơn 30%) gồm Techcombank, MBBank, Vietcombank, MSB...

Covid-19 tác động tiêu cực vào nhu cầu tín dụng cũng như dự phòng của ngân hàng. Song, điều này không làm điều chỉnh giảm quá nhiều lợi nhuận khi đến cuối quý III/2021, đa phần ngân hàng đã hoàn thành khoảng 80% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Dù vậy, có ý kiến cho rằng, lợi nhuận ngân hàng vẫn phấp phỏng với lãi dự thu, bởi trong mức lợi nhuận cao 3 quý đầu năm có sự đóng góp không nhỏ của yếu tố này.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, theo quy định, tất cả những khoản dư nợ nhóm 1 là nợ đủ tiêu chuẩn và có khả năng trả được cả gốc, lãi nên phần lãi suất của khách hàng chưa thu sẽ được ghi nhận vào dự thu. Đáng chú ý, quy định về cơ cấu nợ tại các thông tư 01, 03 và 14 của Ngân hàng Nhà nước, khoản nợ được cơ cấu sẽ bị loại khỏi dự thu.

Theo ông Hùng, bản chất lãi dự thu hiện nay ở các ngân hàng là những khoản nợ sạch, nợ đủ tiêu chuẩn. Ngân hàng muốn bỏ khoản lãi dự thu cũng không được vì phải hạch toán theo đúng quy định và quy định cũng không cho phép đưa nợ nhóm 2 vào dự thu. Tuy nhiên, dự thu cũng là “con dao hai lưỡi”, vì sẽ rất tích cực nếu thu được hết nợ, còn ngược lại, khi không thu được nợ, khoản vay sẽ bị chuyển nợ xấu thì ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng và ghi nhận giảm doanh thu.

Hiện quy mô khoản lãi dự thu ngân hàng vẫn khá lớn và còn có xu hướng tăng lên trước tác của bệnh dịch. Điều này tiềm ẩn rủi ro lợi nhuận ngân hàng bị “thổi phồng”, trong khi con số nợ xấu không được phản ánh đầy đủ trên sổ sách. Ngoài ra, lãi và phí dự thu còn được xem như một nguồn lãi “ảo” của các ngân hàng vì có thể được ghi nhận vào lợi nhuận, cho dù thực tế chưa có tiền thu về. Do đó, con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận càng cao.

Hiện nay, không chỉ ngân hàng nhỏ, mà cả ngân hàng lớn cũng ghi nhận lãi dự thu tăng mạnh. Chẳng hạn, Techcombank (mã TCB) có các khoản phải thu đến cuối tháng 9/2021 là hơn 24.883 tỷ đồng, tăng so với mức hơn 16.572 tỷ đồng hồi đầu năm; lãi và phí phải thu là hơn 6.223 tỷ đồng, trong khi đầu năm là hơn 5.184 tỷ đồng. Tương tự, các khoản phải thu lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 của MBBank (mã MBB) là hơn 22.266 tỷ đồng, trong khi mức đầu năm là 18.350 tỷ đồng...

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục