VietBank cho biết, Ngân hàng đạt hơn 200 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2018.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của VietBank, lợi nhuận của Ngân hàng trong quý II/2018 tăng đột biến, đạt 124 tỷ đồng trước thuế, cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến 30/6/2018, tổng tài sản của VietBank đạt 44.869 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm; cho vay khách hàng và tiền gửi của khách hàng lần lượt tăng 10% và 13,5%, đạt 31.311 tỷ đồng và 35.546 tỷ đồng. Nợ xấu tuyệt đối tăng từ 387 tỷ đồng lên 547 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,35% lên 1,73%.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank cho hay, Ngân hàng đã đầu tư hơn 14 triệu USD vào hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) - là cơ sở để dần chuyển đổi mô hình kinh doanh từ “độc canh” tín dụng qua dịch vụ.
Nguồn thu từ dịch vụ mới chiếm 3% tổng doanh thu của Ngân hàng trong năm 2017, năm 2018 dự kiến nâng lên 10% và mục tiêu đến năm 2020 sẽ chiếm 20%.
Năm nay, VietBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế gần 100 tỷ đồng, nhưng phấn đấu đạt 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận.
Kienlongbank, một ngân hàng khác trong nhóm có vốn điều lệ thấp nhất trên thị trường cho hay, đến cuối tháng 6, Kienlongbank ghi nhận 239 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 0,87% trong tổng dư nợ, tăng nhẹ so với mức 0,84% hồi đầu năm 2017.
Trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng đã xử lý được gần 150 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC, giảm lượng trái phiếu VAMC nắm giữ từ mức 370 tỷ đồng hồi cuối năm 2017 xuống còn 222 tỷ đồng.
Dự phòng rủi ro của Kienlongbank 6 tháng đầu năm giảm đáng kể, mức giảm trên dưới 40% so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, quý II/2018, Kienlongbank đạt 62 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và 121 tỷ đồng 6 tháng đầu năm nay.
Kế hoạch Kienlongbank đề ra cho năm nay là lãi trước thuế 405 tỷ đồng. Lãnh đạo nhà băng này cho hay, Ban lãnh đạo tự tin với chỉ tiêu lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
BacABank vừa báo lãi ròng gần 350 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018. Đến cuối tháng 6/2018, tổng tài sản của BacABank giảm 2,2% so với đầu năm, xuống còn 89.772 tỷ đồng, chủ yếu do Ngân hàng giảm đi vay trên thị trường liên ngân hàng.
Dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,3%, đạt 58.882 tỷ đồng. Trong khi đó, huy động tiền gửi của khách hàng tăng 3,7%, đạt 65.866 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro trong 6 tháng giảm 15% xuống còn 210 tỷ đồng.
BacABank dự kiến dư nợ tín dụng sẽ đạt 63.812 tỷ đồng và nguồn vốn huy động đạt 74.782 tỷ đồng vào cuối năm nay. Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã hoàn thành 93% kế hoạch dư nợ tín dụng và 88% kế hoạch nguồn vốn huy động. Cuối tháng 6, tổng nợ xấu tuyệt đối tại BacA Bank là 436 tỷ đồng, chiếm 0,73% tổng dư nợ cho vay.
6 tháng đầu năm 2018, Nam A Bank gần hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tính đến 16/6, tổng tài sản Nam A Bank đạt 91%, huy động vốn đạt 88% và lợi nhuận trước thuế đạt 97,3% kế hoạch năm. Mục tiêu lợi nhuận 2018 của Nam A Bank là 320 tỷ đồng.
Nam A Bank, VietBank, Kienlongbank nằm trong số chưa đến chục ngân hàng còn duy trì vốn điều lệ dưới 3.500 tỷ đồng. Dù thời gian qua các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn một vài lần, nhưng không thành công.
Tuy nhiên, với kết quả đạt được trong 6 tháng qua và kế hoạch bứt phá mạnh năm 2018 được đánh giá là khá khả thi với ngân hàng nhỏ.
Thời gian gần đây, các nhà băng này đã có sự cải tổ cả về nội tại lẫn quy mô hoạt động và thay đổi mạnh mẽ trong bộ phận điều hành cấp cao.
Chẳng hạn, Kienlongbank cùng lúc thay cả Chủ tịch và Tổng giám đốc. Bà Trần Tuấn Anh lên làm Tổng giám đốc, thay cho ông Võ Văn Châu, trong khi ghế Chủ tịch được ông Võ Quốc Thắng để lại cho ông Lê Khắc Gia Bảo, nguyên là Trưởng ban Kiểm soát.
Nam A Bank cũng có sự thay đổi nhân sự cấp cao, nhưng có chút khác biệt so với các ngân hàng khác. Theo đó, ông Trần Ngọc Tâm lên làm Tổng giám đốc, thay cho bà Lương Thị Cẩm Tú – người xin thôi chức CEO để đại diện cho một nhóm cổ đông sang làm thành viên Hội đồng quản trị Eximbank.
Nam A Bank cho hay, để thành công trong hoạt động, Ngân hàng đã tìm được “ngách” đi riêng trong quá trình đẩy mạnh chiến lược ngân hàng bán lẻ hiện đại, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, phát triển và ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cấu trúc giai đoạn cuối.
Chiến lược của NamA Bank là đi vào khu phố, chợ, tiểu thương, cán bộ nhân viên… tập trung vào chiến lược đẩy mạnh cho vay ở phân khúc khách hàng nhỏ.
Trong khi đó, Kienlongbank tiếp tục tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đối tượng khách hàng hướng tới là những doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tuy còn phải đối mặt với những khó khăn trước mắt và về dài hạn, nếu không giải quyết được bài toán về vốn cũng như tái cấu trúc thành công, tránh làn sóng sáp nhập, hợp nhất vào ngân hàng khác, song với các nhà băng nhỏ này đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án tái cấu trúc bằng chính nội lực đang từng bước đẩy mạnh tăng trưởng.
Giới phân tích tài chính đánh giá, lợi nhuận của ngân hàng nhỏ hiện đã cải thiện và thực chất hơn trước. Vì so với các ngân hàng quy mô lớn thu về hàng nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, thì với các ngân hàng nhỏ, việc đạt hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận là chuyện bình thường.