Lợi nhuận ngân hàng: năm 2013... kết thúc sớm!

(ĐTCK)Kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp, khiến tín dụng khó tăng trưởng nên hầu hết ngân hàng không dám kỳ vọng hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, một số ngân hàng lại dành lợi nhuận để trích lập dự phòng, đảm bảo an toàn cho hệ thống.  
Lợi nhuận ngân hàng: năm 2013... kết thúc sớm!

Lợi nhuận ngân hàng: năm 2013... kết thúc sớm! ảnh 1

Hơn 50% ngân hàng không đạt mục tiêu lợi nhuận trong năm 2013

 

Tổng giám đốc MeKong Bank (MDB), ông Tay Hang Chong cho biết, tình hình kinh doanh của MDB trong năm 2013 khá tốt. Tuy nhiên, để đạt mức lợi nhuận trước thuế 300 tỷ đồng như chỉ tiêu đề ra là không thể.

Theo ông Chong, trước bối cảnh khó khăn chung của thị trường, không chỉ MDB mà các ngân hàng khác cũng khó có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận đưa ra.

“Báo cáo mới đây của NHNN cho thấy, hơn 50% ngân hàng không đạt mục tiêu lợi nhuận năm 2013. Tôi cho rằng, điều đó không có gì khó hiểu và cũng không nên chỉ nhìn vào con số lợi nhuận để đánh giá hoạt động ngân hàng”, ông Chong nói.

Cũng theo ông Chong, sở dĩ mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng không thể kỳ vọng hoàn thành trong năm nay chính là do tín dụng khó tăng trưởng trong bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng. Tại MDB, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát khá chặt, đến cuối tháng 11/2013, con số nợ xấu là 2,4% so với mức của cuối năm trước là 2,5%.

Mục tiêu kiểm soát nợ xấu được MDB đặt ra cho năm nay là dưới 3%, nhưng ông Chong cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu lại danh mục tín dụng. Theo đó, MDB sẽ đẩy mạnh phân khúc tín dụng rủi ro thấp (cho vay nông nghiệp, cán bộ nhân viên), đồng thời hạn chế phân khúc tín dụng có rủi ro gia tăng, chẳng hạn như vay mua xe máy…

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc OceanBank cũng cho rằng, hiện nay, ngành ngân hàng vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nên lợi nhuận không thể đạt mức kỳ vọng. Nguyên nhân để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, nhất là với khối khách hàng doanh nghiệp, đòi hỏi lãi suất cho vay phải từng bước điều chỉnh giảm.

Tại OceanBank, lãi suất cho vay đã được Ngân hàng điều chỉnh giảm đáng kể, hiện mức lãi suất thấp nhất áp dụng đối với doanh nghiệp chỉ còn 8 - 9%/năm.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng cho hay, mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay thấp, chỉ còn khoảng 1 – 1,5%/năm (đối với doanh nghiệp) và 2 – 2,5%/năm cho vay cá nhân, đã khiến nguồn thu từ hoạt động tín dụng của ngân hàng sụt giảm, nhất là khi tăng trưởng dư nợ khó khăn.

Phó tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Ngọc Tâm cho biết, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện nay rất hẹp. Bởi để kích cầu được tín dụng, đòi hỏi ngân hàng phải giảm lãi suất xuống mức thấp nhất có thể, trong khi chi phí đầu vào không thể giảm thêm so với mức trần lãi suất huy động là 7%/năm. Theo ông Tâm, ngoài các yếu tố trên ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, thì rủi ro nợ xấu luôn rình rập buộc các ngân hàng phải thận trọng, không thể đẩy mạnh cho vay một cách ồ ạt. Tại NamA Bank, nợ xấu tính đến cuối quý III/2013 vẫn được kiểm soát dưới 3%, nhưng do chi phí dự phòng phải trích lập lên đến hơn 66 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế còn lại sau 3 quý năm nay chỉ còn hơn 51 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cũng chia sẻ về những nguyên nhân ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, Tổng giám đốc MeKong Bank cho rằng, việc giảm lãi suất tiền gửi chậm hơn so với việc giảm lãi suất cho vay đã làm giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng.

Đây là hệ quả của việc tăng trưởng tín dụng thấp trong toàn ngành. Ngoài ra, đối với những ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, trong đó có cả vấn đề nợ xấu, thì tác động tiêu cực đến lợi nhuận là điều khó tránh khỏi. Bởi ngay cả khi bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng 20% mỗi năm cho 5 năm tới.

Với chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho năm nay ở mức 400 tỷ đồng, lãnh đạo NamA Bank cũng cho biết, khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu này.

Trong đề án tái cơ cấu được NHNN phê duyệt 3 năm, năm nay là năm thứ hai SCB thực hiện đề án tái cơ cấu. Lãnh đạo SCB cho biết, về cơ bản, một số mục tiêu tái cơ cấu đã đạt được trước thời hạn, như xử lý nợ xấu, liên ngân hàng và tái cấp vốn… SCB đang nỗ lực để hoàn tất việc tái cơ cấu đúng theo kế hoạch đưa ra. Tuy nhiên, trong quá trình này, việc tăng trưởng tín dụng sẽ có những hạn chế nhất định.

“Mục tiêu của SCB trong quá trình tái cơ cấu là không đặt chỉ tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Lợi nhuận có được sẽ ưu tiên cho việc trích lập dự phòng, để đảm bảo an toàn trong hoạt động, tạo đà cho tăng trưởng ở những giai đoạn sau.

Điều này cũng được các cổ đông của Ngân hàng ủng hộ. Hiện tổng số dự phòng SCB đã trích ước khoảng 3.000 tỷ đồng, nếu trong các năm sau khi tỷ lệ nợ xấu được xử lý, khoản dự phòng này sẽ được hoàn nhập”, lãnh đạo SCB nói và cho biết, sang năm 2014, Ngân hàng sẽ có kiến nghị lên NHNN xin được mở rộng hoạt động cho vay và có cơ chế tái hoạt động thương mại bình thường, góp phần bổ sung nguồn thu, hỗ trợ quá trình cơ cấu. Tất nhiên, để làm được điều này, SCB cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía NHNN.

Thực tế cho thấy, không chỉ ngân hàng nhỏ mà ngay cả các ông lớn trong hệ thống ngân hàng như: Vietcombank, VietinBank hay Eximbank, Techcombank… cũng khó có thể kỳ vọng đạt mục tiêu lợi nhuận trong năm nay.

Eximbank dự kiến hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận, với khoảng 1.600 tỷ đồng. ACB nỗ lực để đạt 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Riêng Sacombank có phần nổi trội hơn khi đến cuối tháng 10/2013 đã hoàn tất 83% chỉ tiêu lợi nhuận, khi đạt hơn 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với chỉ tiêu đưa ra năm nay là 2.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với mức thực hiện trong năm 2012 là 2.400 tỷ đồng, thì con số lợi nhuận ước đạt kế hoạch năm nay của Sacombank cũng không quá bất ngờ.

>>Ngân hàng lớn giảm 7% thu nhập từ trái phiếu

>>Ngân hàng nhỏ: Khoan nghĩ đến lợi nhuận

>>Lợi nhuận ngân hàng, “năng nhặt chặt bị”

>>Ngân hàng rục rịch điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục