Lợi nhuận ngân hàng khó tăng cao, nhưng vẫn khả quan

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ cải thiện dần trong quý còn lại của năm, vì đây là mùa kinh doanh cao điểm. Tín dụng cải thiện sẽ tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của các nhà băng, song nợ xấu vẫn là lưu ý cuối năm.

Cầu vốn tín dụng của nền kinh tế nửa cuối năm sẽ tiếp tục cải thiện, thưa ông?

Với đà tăng trưởng tín dụng hiện nay, dư nợ của ngành ngân hàng sẽ cải thiện dần trong những tháng cuối năm, bởi thông thường, nhu cầu vốn của khách hàng trong nửa cuối năm tăng cao hơn nửa đầu năm. Vả lại, quý cuối năm là mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp và tiêu dùng tăng kéo theo nhu cầu cao về vốn tín dụng.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng cải thiện dần kể từ tháng 8/2024, sau khi suy yếu trong tháng 7/2024.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến giữa tháng 9/2024 đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng thương mại tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống. Các con số này cho thấy, tín dụng đang vào đà tăng tốc, bởi trước đó, đến cuối tháng 8/2024, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,63%.

Tuy nhiên, do sức cầu chưa tăng trưởng mạnh và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, nên tăng trưởng tín dụng không dễ đạt được mức 15% trong năm 2024.

Tín dụng khó tăng, song nợ xấu ở mức cao và vẫn trong xu hướng đi lên?

Nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng hiện trên 5% (theo số liệu từ NHNN). Nhưng nếu xét con số thực tế, thì nợ xấu sẽ cao hơn con số các ngân hàng công bố. Vì thế, nhiều khả năng, trong thời gian tới, nợ xấu sẽ còn xu hướng tăng để cân đối lại được con số nợ xấu thực tế và nợ xấu ngân hàng tái cơ cấu.

Do đó, đến hết năm 2024, khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực, nếu nợ xấu tiếp tục tăng, thì NHNN có thể phải gia hạn thêm việc tái cơ cấu nợ để tạo điều kiện cho xử lý nợ. Thực tế hiện nay, nợ xấu tăng, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng lại giảm.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng nửa cuối năm?

Tuy khó tăng đột biến như các năm trước, song lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tăng trong nửa cuối năm nay. Lý do là, NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng, trong đó phải kể đến những ngân quy mô và ngân hàng nhà nước.

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM)

Thực tế, trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng vẫn đạt mức lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, có sự phân hóa về lợi nhuận ngày càng rõ nét giữa các nhà băng trong hệ thống.

Các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa sẽ khó hơn, do phải cạnh tranh gay gắt về tín dụng và tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay, nên NIM khó tăng cao. Trong khi đó, nợ xấu ở các nhà băng này có xu hướng tăng, do chất lượng tài sản đi xuống.

Trong những tháng cuối năm 2024, nếu nền kinh tế hồi phục nhanh, thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ quay đầu giảm nhanh. Nhưng hiện tại, kinh tế vẫn khó khăn và không ít doanh nghiệp chưa thoát lỗ và nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng nặng từ bão số 3.

Vậy giá cổ phiếu ngân hàng liệu có tăng trong thời gian tới?

Cổ phiếu ngân hàng đã có sự tăng trưởng trong thời gian vừa qua, nên triển vọng tăng trong thời gian tới là có, song cũng khó kỳ vọng tăng mạnh. Mặt khác, lợi nhuận của ngân hàng năm nay khó có thể tăng cao, mà chỉ khoảng 10-15%. Đồng thời, nợ xấu cũng là vấn đề đáng quan tâm khi chất lượng tài sản đi xuống.

Tuy nhiên, so với ngành nghề khác, ngân hàng vẫn là ngành có lợi nhuận cao. Khi kinh tế tăng trưởng, đây cũng là ngành được hưởng lợi đầu tiên khi tín dụng tăng trưởng trở lại. Nhưng đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng phải dài hạn hơn. Hiện tại, một số ngành được kỳ vọng giá cổ phiếu tăng như bán lẻ, bất động sản.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục