Lợi nhuận ngân hàng dự báo tăng trưởng khoảng 12-13% trong năm 2023, cơ hội tích lũy cổ phiếu ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng năm 2023 được dự báo thấp hơn năm trước, áp lực chi phí đầu vào tiếp tục tăng khiến biên lãi thuần (NIM) thu hẹp nên lợi nhuận ngân hàng sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 10-13% trong năm nay. 
Lợi nhuận ngân hàng dự báo tăng trưởng khoảng 12-13% trong năm 2023, cơ hội tích lũy cổ phiếu ngân hàng

Lợi nhuận tăng 12-13% khi áp lực NIM giảm

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng Việt Nam mới đây của Chứng khoán Maybank (MBKE) nhận định, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại trong năm 2023 so với mức nền cao năm 2022 trước những áp lực đối với biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản trong trung hạn, trong bối cảnh lãi suất tăng, thị trường vốn và bất động sản thắt chặt hơn.

Cụ thể, các chuyên gia MBKE dự báo các ngân hàng Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình khoảng 13% (so với mức tăng trưởng trung bình là 35% trong năm 2022 và 32% trong năm 2021).

Theo đó, tăng trưởng tín dụng hợp lý dự kiến 12-13% và tăng trưởng thu nhập từ phí ổn định dự kiến 18%, sẽ là động lực dẫn dắt đà tăng trưởng, trong khi NIM thấp hơn, giảm 0,5 điểm % đạt 3,9% trong năm 2023 sẽ là trở ngại lớn đối với lợi nhuận ngân hàng.

MBKE dự báo Sacombank, Eximbank, với NIM và tỷ lệ chi phí tín dụng bình thường hoá sau giai đoạn thanh lọc và LienVietPostBank với khoản lãi trả một lần từ phí trả trước cho bán chéo bảo hiểm có thể sẽ là những ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất trong năm 2023.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng trong năm 2023, VNDirect cũng chỉ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ đạt 10-11% trong năm 2023-2024 so với mức 32% năm 2022.

Bởi năm 2023, khi chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh khiến NIM của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp. VNDirect cho rằng, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp.

Hiện Techcombank, MBB và VCB là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống. Trong khi, VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất, lần lượt ở mức 87% và 64%. Vietinbank, VPBank, TPBank và MBB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong năm nay.

Bên cạnh đó, Báo cáo triển vọng thị trường năm 2023 mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, năm 2023 chi phí vốn tăng, nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.

Nửa đầu năm 2023, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên nhưng từ giữa năm, có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.

Nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.

Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, tình hình kinh doanh của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý IV/2022 có sự "cải thiện" tốt hơn song không đạt mức kỳ vọng. Tính chung trong năm 2022, 80% TCTD nhận định tình hình kinh doanh tổng thể "cải thiện" so với năm 2021, 87% TCTD ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021, bên cạnh đó, vẫn có 9,3% TCTD ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, các TCTD tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho thời gian tới, với 56,4-75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022.

Có 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.

Chính sách tiền tệ thắt chặt, áp lực chi phí vốn

Nhận định được đưa ra từ các nhà phân tích tài chính cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023-2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn nhiều biến động, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ còn gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất, và áp lực lạm phát.

Cùng với tình trạng căng thẳng thanh khoản, ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với chi phí vốn tăng trong năm tới. Lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh trong những tháng cuối năm do NHNN hút tiền đồng từ hệ thống để cân đối tỷ giá; doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn và sự kiện xoay quanh SCB.

Tuy đã hạ nhiệt, dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục ở quanh vùng 5-6% cho kỳ hạn qua đêm. Liên quan đến lãi suất huy động, sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành 2 điểm phần trăm trong 2 quý cuối năm 2022, các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng nâng mạnh lãi suất huy động ở mọi kỳ hạn.

So với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện đã tăng khoảng 3% – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng. Theo các ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện chưa có xu hướng giảm.

Tăng lãi suất tiền gửi giúp ngân hàng huy động nguồn vốn, cải thiện thanh khoản, cũng như cung ứng vốn ra nền kinh tế khi nhu cầu tăng cao trong dịp cuối năm. Song đây cũng là nguyên nhân chính đẩy lãi suất cho vay đầu ra tăng, áp lực chi phí vốn đối với doanh nghiệp.

Năm 2023, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tín dụng tăng 13,7%, huy động vốn tăng 10%. Trên 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận năm nay tiếp tục tăng trưởng dương.

Kết quả khảo sát của NHNN vừa công bố cũng cho thấy, theo đánh giá của các TCTD, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý IV/2022 và năm 2022 tiếp tục cải thiện nhưng chưa đạt được mức kỳ vọng, trong đó nhu cầu vay vốn được nhận định cải thiện rõ nét nhất, đặc biệt là nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp.

Các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý I/2023, nhưng tốc độ tăng chậm lại trong năm 2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng "tăng" nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Đồng thời, các TCTD nhận định thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022 tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt, mặc dù có thu hẹp so với quý trước. Thanh khoản năm 2022 – theo các TCTD – không được như kỳ vọng.

Về huy động vốn, các TCTD kỳ vọng huy động vốn quý I/2023 sẽ tăng bình quân 2,9% và trong năm 2023 sẽ tăng 10%, mức tăng này khiêm tốn hơn kỳ điều tra trước đó. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,9 điểm phần trăm so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Song nhiều TCTD nhận định tình hình xử lý nợ xấu trong quý IV/2022 có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng và tiếp tục cải thiện nhẹ trong năm 2023.

Tuy nhiên, ngay cả với một giả định không thực tế rằng, các ngân hàng Việt Nam sẽ không tạo lợi nhuận trong năm 2023, các chuyên gia tài chính đưa ra nhận định, hầu hết cổ phiếu các ngân hàng Việt Nam hiện giao dịch gần mức thấp nhất trong 10 năm qua, tương đương giai đoạn 2011-2012, trong khi bảng cân đối kế toán hiện tại của các ngân hàng Việt Nam đang tốt hơn đáng kể và bức tranh vĩ mô không còn xấu như 11 năm trước.

"Trước những quan điểm khác nhau của thị trường về những khó khăn mà ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt, chúng tôi không kỳ vọng một đợt sóng tăng lớn và ổn định đối với ngành trong năm 2023, tuy nhiên đây là cơ hội 10 năm có một để tích lũy các cổ phiếu ngân hàng chất lượng để đón đầu triển vọng nâng hạng xếp hạng tín nhiệm quốc gia và nâng hạng thị trường chứng khoán của Việt Nam”, MBKE nhận định.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục