832 doanh nghiệp báo lãi tổng trên 5 tỷ usd
Thống kê của FiinPro cho thấy, 832 doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Hà Nội (HNX) và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM tạo ra tổng cộng 118.723 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương 5 tỷ USD - tính riêng cho cổ đông công ty mẹ, không bao gồm lợi nhuận cổ đông thiểu số.
Mặc dù con số này có sự trùng lắp, khi trên thị trường có nhiều cặp công ty mẹ - con cùng niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, dẫn tới lợi nhuận bị cộng dồn như Vingroup – Vinhomes, CII và các công ty con (SII, LGC, NBB…), nhưng không thể phủ nhận, các doanh nghiệp có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung đang đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, nằm trong nhóm "đầu tàu" tạo nên động lực tăng trưởng.
Trong số này, những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất tập trung chủ yếu ở khối bất động sản, tài chính/ngân hàng. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM, sàn HOSE) - tân binh trên trường chứng khoán - ghi nhận con số lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2018 lên tới hơn 7.731 tỷ đồng.
Đây là doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng, lên tới 980,5% so với cùng kỳ năm trước. Xếp thứ 2 về quy mô lợi nhuận nửa đầu năm nay là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB, sàn HOSE), với gần 6.431 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế Cổ đông công ty mẹ, tăng trưởng 52,3% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp đứng thứ 10 về quy mô lợi nhuận trên sàn là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã ACV), hiện đang giao dịch trên sàn UPCoM, cũng có quy mô lợi nhuận gần 3.084 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm, tăng trưởng 82%.
Trong TOP 10 doanh nghiệp quy mô lợi nhuận lớn nhất, duy nhất Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM, sàn HOSE) có tăng trưởng lợi nhuận là con số âm. Nửa đầu năm nay, Vinamilk ghi nhận kết quả lãi gần 5.368 tỷ đồng lợi nhuận cổ đông Công ty mẹ, là con số rất lớn so với mặt bằng chung, nhưng nếu so với chính Vinamilk của cùng kỳ năm 2017, thì vẫn giảm 8,4%. Đây là doanh nghiệp có sự thay đổi lớn về cơ cấu sở hữu, cũng như Ban lãnh đạo trong thời gian vừa qua.
6 tháng, nhiều nhóm ngành khả quan
Với tổng mức lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ các doanh nghiệp trên 3 sàn trong nửa đầu năm 2018 lên tới hơn 5 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước là 90.801 tỷ đồng. Trong số này, chỉ có 344 doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận là âm (6 tháng đầu năm lỗ nhiều hơn hoặc lãi ít hơn), còn lại đa số (488/832 doanh nghiệp) đều có kết quả kinh doanh khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước.
Không tính nhóm doanh nghiệp từ lỗ chuyển sang lãi, quán quân tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2018 thuộc về Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hoàng Minh (mã KPF, sàn HOSE) với mức tăng trưởng 10.023,6%, từ mức 194 triệu đồng lên 19,668 tỷ đồng; 6 doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất thị trường đều có quy mô lợi nhuận ở mức thấp (dưới 30 tỷ đồng).
Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã ASM, sàn HOSE) là doanh nghiệp có quy mô lợi nhuận cổ đông Công ty mẹ 6 tháng ở mức lớn (857,286 tỷ đồng) và tăng trưởng lợi nhuận lên tới 1.546,1% so với cùng kỳ. Vinhomes là doanh nghiệp có cả tốc độ tăng trưởng và quy mô lợi nhuận thuộc hàng dẫn đầu thị trường.
Đây cũng là bức tranh của ngành, khi dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận là nhóm các doanh nghiệp bất động sản, tài chính, chứng khoán. Dữ liệu cho thấy, nhóm doanh nghiệp này có mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 60,2%, với gần 18.317 tỷ đồng lợi nhuận, dù chỉ có 115 doanh nghiệp có tên trong nhóm ngành này.
Các ngân hàng thương mại cổ phần, dù có mức tăng trưởng ngành thấp hơn, đạt 53,7%, nhưng cũng là nhóm có quy mô lợi nhuận lớn, với tổng quy mô lợi nhuận cổ đông công ty mẹ là 34.371 tỷ đồng, trên tổng số 118.723 tỷ đồng lợi nhuận toàn thị trường. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần hiện có 17 cổ phiếu đã niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung.
Mặc dù bức tranh kết quả kinh doanh toàn thị trường khá rực rỡ, nhưng vẫn có những mảng tối. Dữ liệu của FiinPro cho thấy, trong các nhóm ngành, có 3 ngành có tổng mức lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2017, bao gồm viễn thông, dược phẩm - y tế và dầu khí.
Khó khăn do sức ép cạnh tranh đối với ngành dược, ảnh hưởng của giá dầu đến các doanh nghiệp ngành dầu khí và câu chuyện khó khăn chung của ngành viễn thông đã khiến nhóm doanh nghiệp này thụt lùi so với mặt bằng tăng trưởng chung của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Định giá chứng khoán việt đang hấp dẫn hơn
Tháng 8/2017, chỉ số VN-Index dao động quanh 780 điểm, với P/E khoảng 16,5 lần. Ở thời điểm hiện tại, P/E của VN-Index ở mức xấp xỉ 17 lần, tức khoảng 950 điểm. Nếu nhìn vào tương quan này, định giá chung của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng rất chậm, dù nhiều doanh nghiệp đã có mức độ tăng trưởng lợi nhuận tốt và tiếp tục được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trong giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, nếu loại bỏ tác động của một số mã có vốn hóa lớn, nhưng lợi nhuận đang trong giai đoạn tăng trưởng và mới chào sàn trong năm 2018, thì định giá chung thị trường còn thấp hơn giai đoạn trước.
Nhận xét về cơ hội tăng trưởng của thị trường chứng khoán, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường có P/E khoảng 24,2% tính đến hết năm 2018, và ước tính giảm về 19,9% năm 2019 do mức tăng trưởng lợi nhuận dự báo khả quan. Điều này sẽ dẫn đến P/E hiện tại của Việt Nam dù tương đương với các thị trường trong khu vực, nhưng sẽ hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
MBS đưa ra dự báo, chỉ số VN-Index đã tạo đáy quanh vùng 884 điểm vào ngày 12/7 vừa qua và có thể tăng lên mức mục tiêu 975 -1.050 điểm vào quý III hoặc quý IV năm nay. Theo đó, các nhóm cổ phiếu lựa chọn là nhóm vốn hóa lớn có cơ bản tốt, đã giảm mạnh về vùng hấp dẫn, ưu tiên nhóm ngành tài chính, bất động sản, bán lẻ.
Với triển vọng hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam, MBS cho rằng, nhóm ngành bán lẻ sẽ hấp dẫn kể cả trong ngắn và dài hạn. Các cổ phiếu vốn hóa trung bình đang xuất hiện cơ hội do định giá hấp dẫn và bắt đầu nhận được sự chú ý của dòng tiền.
Ngoài ra, 2 là nhóm cổ phiếu khác được khuyến nghị đầu tư là những cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành, có hoạt động kinh doanh ổn định, định giá hấp dẫn và nhóm có yếu tố thoái vốn nhà nước, mới niêm yết.