Lợi ích của việc thực hiện CSR đối với doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Ngày nay, trách nhiệm xã hội (của doanh nghiệp) - CSR - không phải là vấn đề mới về mặt lý thuyết đối với các doanh nghiệp và các quốc gia trên thế giới, mà điều đáng bàn ở đây là lý thuyết ấy đã được “thực hành” đến đâu và thực hành tốt thì được lợi ích gì.
Lợi ích của việc thực hiện CSR đối với doanh nghiệp

CSR rất được quan tâm ở các nước phát triển bởi giới doanh nghiệp coi đó là khoản đầu tư tạo ra lợi nhuận rõ rệt (xét cho đến cùng, theo Philip Kotler, mục tiêu tối cao của một thực thể kinh doanh là lợi nhuận). Ở đây, lô-gíc của vấn đề chính là đầu tư - sinh lợi, “cơ ngơi” lâu dài mà những người khổng lồ vẫn ngày đêm xây đắp.

CSR của doanh nghiệp có thể được phân tích thành hành động cụ thể với các đối tượng chính là người lao động, cổ đông, nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng.

 

CSR đối với người lao động

Tiêu chuẩn đánh giá việc thực hiện CSR đối với người lao động bao gồm trả lương xứng đáng (theo khảo sát của Ewin.com, có tới 68% coi lương là 1 trong 3 yếu tố quan trọng nhất), không phân biệt đối xử, chính sách đãi ngộ và đào tạo tốt, và có điều kiện làm việc chấp nhận được...

Những điều kiện cơ bản ở trên, dù đơn giản nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có

Một số yếu tố quan trọng nhất đối với người lao động theo khảo sát của Ewin.com

 

1. Lương

68%

2. Mối quan hệ với người giám sát bậc trung

35%

3. Lợi ích bảo hiểm

34%

4. Giao tiếp giữa đội ngũ quản lý và nhân viên

29%

5. Chính sách công bằng

27%

thể thực hiện hoàn chỉnh. Phần lớn người lao động yêu thích công việc của mình do điều kiện lao động tốt và chế độ lương thưởng hợp lý. Doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu này cũng đồng nghĩa với việc tạo ra được một đội ngũ nhận sự gắn bó, yêu thích công việc, tự hào về hình ảnh công ty và quyết tâm làm việc vì lợi ích chung của “đại gia đình.” Lợi ích đạt được ở đây rõ ràng ngoài năng suất nâng lên rõ rệt còn có một văn hóa gắn kết tại doanh nghiệp. Văn hóa mạnh có tác động tích cực không chỉ tới riêng bản thân doanh nghiệp mà lan tỏa rất tốt trong cộng đồng kinh doanh. Đây là điều mọi doanh nghiệp đều mong muốn xây dựng được. Không những thế, chi phí và sức lực cộng với hao tổn tinh thần do phải liên tục tìm kiếm và đào tạo nhân sự mới (trong trường hợp nhân sự cũ thôi việc do chính sách nhân sự của công ty thiếu hợp lý) hoàn toàn bị loại bỏ. Chính sách đãi ngộ tốt, văn hóa tốt và môi trường làm việc hình thành hiệu ứng cộng hưởng “quyến rũ” nhân lực giỏi tìm đến với công ty. Chuỗi thành công tiếp nối thành công.

 

CSR đối với cổ đông

Mâu thuẫn lợi ích giữa bộ phận quản lý - điều hành (đội ngũ được thuê để làm việc) và chủ sở hữu - các cổ đông là đề tài không có hồi kết trong doanh nghiệp. Bởi, đôi khi người điều hành công ty vì lợi ích cá nhân mà quên đi nhiệm vụ của mình là đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông.

Do đó, trọng tâm trong trách nhiệm của công ty đối với cổ đông là công bố thông tin minh bạch, điều hành công ty hiệu quả và sử dụng nguồn vốn hợp lý. Những công việc này nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm là điều cần phải làm đối với bất kỳ doanh nghiệp nào vì sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Có như thế mới tạo ra được niềm tin cho nhà đầu tư, mà niềm tin chính là cảm xúc - yếu tố quyết định góp phần tạo ra lợi nhuận cho cổ phiếu hoặc hủy hoại giá trị cổ phiếu chỉ trong gang tấc. Một bài học đắt giá đối với doanh nghiệp trong vấn đề công bố thông tin đó là hồi đầu năm 2007, một công ty chứng khoán đã thổi phồng thông tin về hợp tác chiến lược với đối tác quốc tế uy tín; thêm vào đó là vụ bổ nhiệm tổng giám đốc có nhiều điều tiếng của công ty này. Hệ quả là, giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, nhà đầu tư xen lẫn cảm giác thất vọng, tiếc nuối và cảnh tỉnh, còn công ty bị mất uy tín trầm trọng.

 

CSR đối với nhà cung cấp và khách hàng

Về phần nhà cung cấp, công việc rút gọn vào điểm mấu chốt là trả tiền đúng thời hạn và truyền thông tốt. Một khi đã bắt tay vào kinh doanh, việc giữ được mối quan hệ tốt đối với nhà cung cấp có ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định cho sản xuất với giá cả hợp lý; từ đó, sản phẩm được phân phối tới người tiêu dùng kịp thời và đúng chất lượng cam kết.

Đối với khách hàng, CSR thể hiện ở việc bán sản phẩm thỏa mãn tốt nhu cầu, giá cả phải chăng, giao hàng đúng hẹn và an toàn cho sử dụng. Thực tế cho thấy, nếu sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng, hình ảnh về sản phẩm và doanh nghiệp sẽ lưu giữ trong tâm trí người tiêu dùng. Trong kinh doanh, hiệu ứng donimo tâm lý là rất cần thiết, “thông tin truyền miệng” cũng có sức lan tỏa rất mạnh. Giữ vững khách hàng và mở rộng thị phần là mục tiêu của bất cứ doanh nghiệp nào, phản ánh tinh thần “khách hàng là thượng đế” (khuyết danh). Bà Lurita Doan, người phụ nữ đầu tiên đứng đầu cơ quan Cung cấp dịch vụ và Giám sát kỹ thuật của Chính phủ Mỹ (General Services Administration) cũng đã từng phát biểu: “Khách hàng là thượng đế, nếu bạn không cung cấp dịch vụ tốt, bạn sẽ không có cơ hội lần thứ hai, và như vậy sẽ không có sự bền vững.” Nếu đã xây dựng được thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng thì việc kinh doanh trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

 

CSR đối với cộng đồng

Đối với cộng đồng nói chung, nhiệm vụ trước hết là bảo vệ môi trường (cũng chính là bảo vệ sức khỏe của công chúng) và sau đó là làm từ thiện. Môi trường bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, khí hậu thay đổi... là những vấn đề “nóng” trên toàn thế giới và giải thưởng Nobel Hoà bình 2007 trao cho Al Gore đã phản ánh tâm điểm này. Doanh nghiệp bảo vệ môi trường, ngoài việc tuân thủ các quy định của chính phủ còn không bị hao tổn chi phí khắc phụ hậu quả hay bồi thường do kiện tụng. Các khoản đầu tư “xanh” là vấn đề nóng ở nhiều quốc gia phát triển.

Theo khảo sát của tổ chức National Forest, 81% khách hàng Anh đồng ý mua sản phẩm bảo vệ môi trường và 73% người sẽ trung thành với ông chủ hay tham gia các hoạt động từ thiện. Không chỉ có vậy, các quan chức và chính phủ cũng rất ưu ái đối với các doanh nghiệp có lịch sử tốt về bảo vệ môi trường, người tiêu dùng và làm từ thiện. Làm từ thiện cũng là hành động đáng tôn vinh của các doanh nghiệp nhằm phát triển cộng đồng, giúp đỡ người nghèo và xây dựng hình ảnh. CSR không chỉ dừng lại ở những vấn đề nêu trên, nhưng nhìn chung, đây là những vấn đề trọng tâm. Thực hiện tốt CSR sẽ đem lại rất nhiều lợi ích.

Nguyễn Châu Hà (www.en.saga.vn)
Nguyễn Châu Hà (www.en.saga.vn)

Tin cùng chuyên mục