Lời hiệu triệu

0:00 / 0:00
0:00
Giống như lời hiệu triệu non sông thuở trước-“không có gì quý hơn độc lập, tự do”, khi lời kêu gọi toàn dân đoàn kết chống “giặc” Covid-19 cất lên, người dân Việt lại một lần nữa đứng bên nhau.

Lời hiệu triệu từ trái tim

Đất nước đang trong những ngày cam go, vất vả. Đón Tết Độc lập, nhưng trái tim Việt lại đau thắt vì ngoài kia, hơn 400.000 đồng bào nhiễm virus SARS CoV-2, nhiều người đã qua đời…

Không khốc liệt như cuộc chiến với đạn bom, súng nổ năm xưa, nhưng cuộc chiến với Covid-19 cũng lắm đau thương. Nếu “giặc” Covid-19 không sớm được đẩy lùi, sẽ còn nữa những đau thương, mất mát…

Theo lời hiệu triệu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 105 lên đường vào Nam chung tay phòng chống dịch Covid-19.
Theo lời hiệu triệu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Quân y 105 lên đường vào Nam chung tay phòng chống dịch Covid-19.

Bởi thế, giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh 55 năm trước ra lời hiệu triệu non sông, rằng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cùng cất lời kêu gọi toàn dân đoàn kết chống “giặc” Covid-19.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuối tháng 7/2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong cả nước, đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng đoàn kết chống dịch Covid-19.

Cuối tháng 7/2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng đoàn kết chống dịch Covid-19.

Cuối tháng 7/2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng đoàn kết chống dịch Covid-19.

Ông kêu gọi: “Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Lời hiệu triệu trên thực tế từng được Tổng Bí thư nhấn mạnh hồi trung tuần tháng 6/2021, khi ông chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị để cho ý kiến về tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19”.

Rồi mới đây, những ngày cuối tháng 8, Tổng Bí thư đã chủ trì buổi làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Lại một lần nữa, ông kêu gọi toàn hệ thống chính trị vào cuộc, bởi dịch bệnh Covid-19 là vấn đề lớn của thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam, lại vô cùng phức tạp với nhiều biến chủng mới.

Cũng tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được trao trọng trách Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Với đích thân Thủ tướng giữ vị trí tổng chỉ huy của chiến dịch chống “giặc” Covid-19, chưa bao giờ quyết tâm chiến thắng Covid-19 lớn đến như vậy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác chống dịch tại tâm dịch TP.HCM. Thủ tướng đã đến thăm Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Quân dân y Miền Đông (TP Thủ Đức), nơi đang điều trị cho 496 bệnh nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác chống dịch tại tâm dịch TP.HCM. Thủ tướng đã đến thăm Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Quân dân y Miền Đông (TP Thủ Đức), nơi đang điều trị cho 496 bệnh nhân.

“Giặc” nào cũng nguy hiểm. Thắng Covid-19 không phải chỉ vì sức khỏe, tính mạng của người dân, mà còn vì cả nền kinh tế. 4 tháng nay, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì mọi ưu tiên hàng đầu hiện nay đều dành cho chống dịch, rằng sức khỏe của người dân là trên hết, quan trọng nhất.

Ưu tiên cho chống dịch, tất cả vì nhân dân, nên ngay cả Quốc hội cũng đã trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ, trong trường hợp khẩn thiết, được quyền áp dụng các cơ chế đặc thù. Năm ngoái, trước những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 tới nền kinh tế và cuộc sống người dân, Quốc hội cũng đã có những cuộc họp bất thường được tổ chức, những cơ chế đặc biệt được ban hành, để quyết chi 62.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng, hay cho phép một số dự án đầu tư theo phương thức công - tư (PPP) được chuyển thành dùng vốn đầu tư công…

Khi cả “Bộ tổng tham mưu”, từ Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đều dành những ưu tiên cao nhất cho công tác phòng chống dịch, khi những lời hiệu triệu toàn dân đoàn kết chống dịch xuất phát từ trái tim yêu nước và nghĩa đồng bào sâu nặng, triệu triệu trái tim Việt đã lay động…

Khi Thủ tướng “vi hành”

Vì nghĩa đồng bào, ngay từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong phòng chống dịch bệnh. Mọi công dân Việt Nam, kể cả từ nước ngoài về, thậm chí là cả người nước ngoài đến Việt Nam cũng đều được tận tình chăm sóc, cứu chữa…

Khác với ba đợt dịch trước, đợt dịch thứ tư đặt Việt Nam vào những thử thách chưa từng có. Nhưng quyết tâm chống dịch, vì nhân dân, vì triệu triệu người dân Việt, chưa bao giờ ngơi nghỉ. Liên tiếp các cuộc họp bàn được tổ chức, có khi bất thường lúc nửa đêm vì vừa phát hiện thêm ổ dịch mới. Ban đầu, khi dịch chưa lan đến diện rộng, chỉ có đầu cầu Chính phủ họp với vài địa phương, nhưng giờ là Chính phủ, thường trực Chính phủ với hầu khắp các địa phương trong cả nước. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ còn chủ trì cuộc họp trực tuyến với 1.060 xã, thị trấn, 209 quận, huyện, thị xã của 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Và ngay sau khi nhận trọng trách Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch, người đứng đầu Chính phủ đã tới TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương để trực tiếp kiểm tra việc chống dịch.

Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ còn “vi hành”, sâu sát tận cơ sở để tìm câu trả lời. Không nghe báo cáo, cũng không xuống cơ sở theo chương trình sắp xếp trước, ông tự xuống cơ sở, “nhờ” người dân trực tiếp thực hiện các cuộc gọi đến “đường dây nóng” hỗ trợ người dân để kiểm tra. Có nơi gọi 3-4 lần mới bắt máy, ông lập tức chỉ đạo phải chấn chỉnh.

Chiến lược chống dịch của Việt Nam cũng đã được thay đổi, điều chỉnh, tùy theo tình hình dịch. Ban đầu, còn thụ động, sau xác định chủ động tấn công “giặc”, bằng vắc-xin, bằng nguyên tắc 5K. Khi dịch chưa diễn biến phức tạp, mục tiêu kép được lựa chọn, nhưng sau này, sức khỏe và tính mạng của người dân là quan trọng nhất. Không buông lơi kinh tế, vẫn phải tìm mọi cách để duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng trên nguyên tắc nhất quán là “sản xuất phải an toàn”.

Xác định vắc-xin là chìa khóa quan trọng, ngay khi đợt dịch thứ tư diễn biến phức tạp, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Chính phủ đã kêu gọi thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19. Sáng kiến này không chỉ được nhân dân ủng hộ, với bằng chứng là người dân khắp trong Nam ngoài Bắc, kể cả những em bé, các cụ già, các doanh nghiệp đang chịu tổn thất vì dịch bệnh, cũng sẵn sàng dành những đồng tiền quý báu của mình cho Quỹ, mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 chính là biểu tượng sinh động cho tình đoàn kết, sức mạnh của lòng dân.

Không chỉ lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ đã vô cùng nỗ lực trong công tác ngoại giao vắc-xin. Có lẽ, hiếm có Chính phủ nào trên thế giới làm được điều đó. Ngay cả Thủ tướng Phạm Minh Chính, hôm gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, ông kể, có đêm sẵn sàng ký cả chục chữ ký, tạo điều kiện giúp các địa phương và doanh nghiệp, tận dụng mọi quan hệ để đàm phán mua vắc-xin. Tất cả vì sức khỏe của người dân Việt Nam.

Vì người dân, vì doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục ban hành một loạt chính sách để hỗ trợ. Với doanh nghiệp, là miễn, hoãn, giảm thuế, phí, là hỗ trợ đến tận lực để làm sao mọi hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất - kinh doanh được thông suốt. Hễ có địa phương nào ban hành các chính sách “gây khó”, ngay lập tức được chấn chỉnh, nhắc nhở. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người đứng đầu Chính phủ sẵn sàng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày nghỉ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Với người dân, chính sách an sinh đã được ban hành, để đến hôm nay, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tự hào nói rằng, hơn 15 triệu người đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Hơn 8.400 tỷ đồng đã được giải ngân. Tuy một số địa phương còn lúng túng, nhưng chính sách đang đi dần vào cuộc sống. Để chống dịch thành công, an dân là yếu tố quan trọng nhất.

Sát cánh bên nhau để chiến thắng

Cùng với lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ hồi giữa tháng 8/2021 cũng đã phát động phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.

Nhưng ngay cả khi không có lời hiệu triệu, không có lời kêu gọi thi đua, hàng chục triệu người dân Việt cũng đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng bên nhau để chống dịch. Đợt dịch thứ nhất, thứ hai, thứ ba đã thế, đợt dịch thứ tư càng quyết tâm đồng lòng đoàn kết bên nhau hơn nữa.

Cứ nhìn các ATM gạo, ATM oxy được mở rộng toàn quốc. Nhìn các nhóm tình nguyện viên được thành lập khắp nơi, lúc lo bữa ăn cho tuyến đầu chống dịch, lúc cung cấp lương thực, thực phẩm cho những người cơ nhỡ vì dịch bệnh. Những mớ rau, quả trứng, những gói bánh, gói mì… đã được trao cho bà con gặp khó. Nhìn những đoàn xe máy hồi hương được cảnh sát dẫn đường, đi tới đâu được người dân ở đó hỗ trợ về đồ ăn, thức uống; thấy cả các app công nghệ được xây dựng để chia sẻ, người này thiếu gạo, người kia sẵn sàng sẻ chia lúc khó khăn… mà thấy lòng ấm lại.

Càng cảm động và vững tin hơn nữa, khi những ngày này, hàng ngàn chiến sỹ công an, hàng ngàn người lính Bộ đội Cụ Hồ được cử vào “tiền tuyến” phía Nam để hỗ trợ chống dịch. Hàng ngàn y bác sĩ, thậm chí cả các sinh viên trẻ cũng đã lên đường để thực hiện nhiệm vụ khó khăn nhưng cao cả. Khi miền Nam đau ốm, cả nước sẵn sàng dành những ưu tiên cao nhất, cả nhân lực và vật lực.

Càng trong khó khăn, thử thách, phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng. Đó là tinh thần đoàn kết một lòng, là nghĩa đồng bào sâu nặng. Như bao đời nay vẫn vậy, càng trong gian khó, người dân Việt càng đoàn kết bên nhau. Cứ như thế, sức mạnh dân tộc được nhân lên. Bằng sức mạnh ấy, bằng tinh thần tương thân, tương ái, bằng quyết tâm và niềm tin chiến thắng, Việt Nam sẽ vững vàng vượt qua đại dịch…

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Nhã Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục